Mỹ và đồng minh hôm qua tiếp tục mở cuộc không kích nhằm vào lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), lần này mục tiêu là các nhà máy lọc dầu ở đông Syria, nơi được coi là nguồn thu chính của tổ chức này. Quan chức quân đội Mỹ cho hay hầu hết nhà máy lọc dầu của IS ở Syria đã bị tê liệt.
"Điểm mấu chốt của kế hoạch là khiến chúng (IS) mất khả năng sử dụng các nhà máy lọc dầu, nơi tao ra nguồn tiền chính", Washington Post dẫn lời John F. Kirby, thư ký báo chí Lầu Năm Góc, cho biết. Trước động thái mới này, giới quan sát lập tức đặt câu hỏi, liệu đây có phải là bước đi chiến thuật tiếp theo của Mỹ nhằm thay đổi cục diện cuộc chiến để "đẩy lùi rồi tiến tới tiêu diệt" IS?
Trong cuộc phỏng vấn đặc biệt trên CNN, chuyên gia Luay al-Khatteeb nhận định, IS, lực lượng đang kiểm soát khu vực rộng lớn ở miền đông Syria, nắm giữ gần 60% hệ thống sản xuất dầu mỏ của đất nước, cho ra khoảng 50.000 thùng dầu thô và thu về xấp xỉ ba triệu USD mỗi ngày từ việc buôn lậu dầu. Lượng dầu này được tuồn ra thị trường toàn cầu thông qua hành lang phía nam của Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo al-Khatteeb, cuộc tấn công vào nhà máy lọc dầu của IS sẽ gây ra những tác động mạnh mẽ và nghiêm trọng đối với các tay súng cực đoan. Nếu Mỹ có thể truy tận gốc các cơ sở và tuyến vận tải dầu lậu của IS, họ sẽ làm gián đoạn đáng kể nguồn cung ra thị trường cũng như quá trình sản xuất của chúng. Nếu các cuộc oanh tạc tiếp tục diễn ra, IS sẽ phải chật vật trong việc cấp nguồn năng lượng để duy trì hoạt động của chính chúng và những cộng đồng dân cư dưới quyền kiểm soát, hiện nay lên tới khoảng 8 triệu người ở cả Iraq và Syria.
"Hoàn toàn hợp lý khi Mỹ nhằm vào các nhà máy lọc dầu chứ không phải mỏ dầu", CNN dẫn lời al-Khatteeb nói, "Dù IS có sản xuất được dầu thô chúng cũng không thể dùng cho các phương tiện của mình nếu dầu chưa qua xử lý. IS cũng có thể mang dầu thô đi bán nhưng giá sẽ rẻ hơn nhiều lần so với dầu được tinh luyện", ông nhấn mạnh.
Nếu các nhà máy lọc dầu IS kiểm soát bị phá hủy hoàn toàn, nhóm này sẽ phải dựa vào nguồn dầu từ Thổ Nhĩ Kỳ được bán ở thị trường chợ đen. Chính vì thế, Mỹ và đồng minh cần kiểm soát gắt gao những vùng dọc biên giới nhằm phá vỡ tuyến vận chuyển này của IS.
Theo tờ Chicago Tribune, quá trình đấu tranh và ngăn chặn dòng tiền bất hợp pháp của IS có thể coi là chiến trường thứ hai, quan trọng không kém những đợt càn quét hay dội bom. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự tin rằng chỉ bằng các đợt không kích đơn thuần, Washington không thể triệt để phong tỏa nguồn lực tài chính của IS.
Một số người có kinh nghiệm lại nhận định, IS chủ yếu kiếm tiền nhờ buôn bán dầu thô thay vì dầu đã qua xử lý. Cuộc không kích mới nhất chưa đủ sức để ngăn hoàn toàn dòng tiền của IS.
"Các cuộc oanh tạc nhằm vào nhà máy lọc dầu là một sự thay đổi chiến thuật ngoạn mục nhưng không tạo ra được bước ngoặt chiến lược", Chris Harmer, nhà phân tích cấp cao từ Viện Nghiên cứu Chiến tranh, có trụ sở tại Washington, nhận xét. "IS kiểm soát mỏ dầu. Việc phá hủy các nhà máy lọc dầu cỡ nhỏ sẽ chỉ chuyển dịch quá trình sản xuất từ nhà máy IS điều khiển sang những cơ sở khác trong vùng dân cư lân cận mà thôi", ông nói thêm.
"Chúng từng chiếm đoạt gần một phần ba tỷ USD từ ngân hàng trung ương Mosul, tại Iraq", Peter Mansoor, đại tá quân đội về hưu, nói. Trên tất cả, IS còn thu về hàng triệu USD từ việc trao đổi con tin lấy tiền chuộc với một số nước châu Âu, ông cho biết thêm. "Ngay cả nếu ta ngăn được dòng tiền của chúng ngày hôm nay, chúng vẫn còn hàng tỷ USD tích trữ".
Vũ Hoàng