Nhiều người đang tranh luận các vấn đề giao thông. Thí điểm cấm xe máy một trong hai tuyến đường Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi (TP Hà Nội) là một ví dụ. Theo tôi, vấn đề giao thông hiện tại không phải lỗi do phương tiện mà do chúng ta đang thiếu tầm nhìn và giải pháp tổng thể.
Thứ nhất, ý thức tham gia giao thông của người dân không cao.
Tôi thấy mọi người cãi nhau xem ôtô hay xe máy mới là nguyên nhân gây ách tắc giao thông, nhưng theo tôi, ý thức con người mới là nguyên nhân gây ách tắc giao thông.
Các bạn để ý mỗi khi tắc đường, xe máy luôn cố gắng đi theo kiểu điền vào chỗ trống, trống chỗ nào phi ngay vào chỗ đó. Ôtô thì dàn hàng ngang hàng năm hàng bảy, như vậy có khác gì kiểu đi điền vào chỗ trống của xe máy không, chẳng qua cái chỗ trống mà ô tô muốn điền vào nó to hơn xe máy mà thôi.
Những hôm trời mưa, ở ngã tư Nguyễn Trãi – Nguyễn Xiển (Hà Nội), giao thông tại đây luôn ách tắc nặng. Xe máy ôtô xe buýt đấu đầu đan chéo vào nhau, mặc dù đèn giao thông rất đầy đủ, có hẳn cả hầm đường bộ và công an giao thông điều tiết. Vậy là do xe hay do người?
>> 'Người Việt bỏ xe máy nếu xe buýt tốt' là điều viễn tưởng
>> Dành 30 ngày dẹp hỗn loạn giao thông một ngã tư Hà Nội, được không?
Thứ hai, quy hoạch đô thị không phù hợp.
Nếu chúng ta cấm xe máy tại đường Nguyễn Trãi, như vậy sẽ chỉ còn cách đi bộ, đi ôtô và sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Phương tiện giao thông công cộng thì hiện tại đang chỉ có xe buýt, mà các bạn cũng biết rằng xe buýt tại Nguyễn Trãi đang quá tải do lượng sinh viên tại trường Đại học Quốc gia và trường ĐH Nhân văn quá cao, trong khi tuyến metro trên cao thì vẫn lùi tiến độ liên tục.
Một điểm nữa, trên đường Nguyễn Trãi đang bắt đầu xây dựng khu đô thị Cao Xà Lá, nhìn thiết kế có thể tính sơ sơ 10 tòa, mỗi tòa 20 tầng, mỗi tầng 10 căn hộ tức là khoảng gần 2.000 căn hộ và các tầng thương mại. Mà các bạn biết đấy, mua được nhà ở đây ắt hẳn mua được ôtô. Vậy các bạn nghĩ sao khi chúng ta cấm xe máy tại đường Nguyễn Trãi nhưng lại để cho hàng trăm ôtô lưu thông tại đường Nguyễn Trãi trong tương lai.
Thứ ba, chúng ta cấm xe máy tại đường Nguyễn Trãi – Lê Văn Lương, nhưng liệu có nghĩ hạ tầng của chúng ta có thích hợp để phục vụ cho việc cấm xe không, trong khi chúng ta chưa có bất kỳ khu trông giữ tập trung nào xây dựng xung quanh tuyến đường Nguyễn Trãi – Lê Văn Lương.
Thứ tư, nhiều người nói việc cấm xe máy là để bảo chứng doanh thu cho các nhà đầu tư phát triển phương tiện giao thông công cộng, nhưng liệu chúng ta và cả những nhà tài trợ ODA có an tâm "đầu tư" vào những dự án liên tục đội vốn, chậm tiến độ như dự án metro Hà Đông - Cát Linh?
Liệu ai sẽ đủ can đảm bước lên những con xe buýt lạng lách, vượt đèn đỏ, chèn đầu xe khác như hiện tại, hay chúng ta chấp nhận đánh đổi xe máy lấy ôtô và xe điện cá nhân, với số lượng không hề kém?
>> 'Virus' xe máy đã tàn phá đô thị Việt Nam như thế nào
Thứ năm, nhiều người nói đi bộ cho khỏe, các nước khác nóng nực cũng đi bộ, đừng đổ lỗi thời tiết. Tôi xin phép phản biện, đô thị chúng ta rất bẩn, tôi xin nhắc lại là rất bẩn. Rác thải, bụi bặm, bùn đất khắp nơi, đặc biệt là trời mưa, trong khi vỉa hè thì đào bới lên hàng ngày, khấp khểnh, ổ voi ổ gà khắp mọi nơi. Các bạn so sánh việc đi bộ với Singapore xin hãy nhìn lại nước người ta sạch đẹp thế nào đã.
Cuối cùng, người ta nói, lớn phải làm gương cho nhỏ. Quanh khu Hà Đông và Cát Linh có rất nhiều cơ quan hành chính. Chẳng phải chúng ta sắp có tuyến metro Hà Đông- Cát Linh sắp đưa vào vận hành sao? Vậy các công chức, viên chức nhà nước vui lòng làm gương, đi metro để vận động người dân không dùng phương tiện cá nhân.
Tôi chỉ là một người trẻ thế hệ 9x, muốn đưa ý kiến của mình rằng cấm xe chỉ là giải pháp cục bộ và manh mún, cái chúng ta thiếu là cái nhìn và quy hoạch tổng thể, điều mà rất nhiều kiến trúc sư có chuyên môn đã nêu ý kiến, thậm chí chúng ta từng có bộ quy chuẩn về quy hoạch đô thị nhưng lại không làm theo.
Hãy đắp cả một con đê đẹp, thay vì xây vài đoạn đê con con rồi lại đắp đất vào vá chỗ lở.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Linh