"Ở Nhật con tôi (dưới 6 tuổi) một năm tăng cùng lắm được hai cân. Lúc về Việt Nam, nửa năm tăng vèo vèo 3-4kg. Ở Nhật cứ đi học về là con chạy nhảy leo trèo rồi kêu đói. Ở Việt Nam, tới bữa tối là ngồi gẩy thìa.
Tôi để ý thấy khẩu phần bữa ăn học đường của họ ở mức vừa đủ, chỉ ăn no 70-80%, nhưng khá đa dạng các nhóm chất".
Độc giả nickname uyenht.267 kể về khác biệt mức độ tăng cân của con mình khi so sánh cách ăn uống như trên, sau bài viết Vì sao ít người Nhật bị béo phì?.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ béo phì ở người trưởng thành Nhật Bản thấp nhất trong số các quốc gia có thu nhập cao, ở mức 3,3%.
Không chỉ tỷ lệ béo phì thấp, cân nặng trung bình của người dân Nhật Bản cũng ở mức thấp so với nhiều quốc gia khác với chỉ số BMI trung bình 22,6, đứng cuối bảng xếp hạng, ngang với Lào, Myanmar, Zambia.
Trong khi đó, tỷ lệ mắc béo phì của Việt Nam không cao so với khu vực nhưng một điều đáng lo ngại là tốc độ tăng đang nhanh nhất trong các nước Đông Nam Á, ở mức 38%.
Độc giả Kiên Pt6498 nói: "Hiện giờ đời sống người Việt có khá giả hơn nhưng chưa tiếp thu được kiến thức khoa học trong ăn uống, tập thể dục thể thao để giữ gìn sức khỏe và ăn uống dễ bị thả lỏng, lại ít vận động nên béo phì, tim mạch, huyết áp, đột quỵ đang trẻ hóa với tỷ lệ cao so với thế giới.
Cần khoảng thời gian dài để phổ cập kiến thức ăn uống cùng sức khỏe đầy đủ hơn giúp dân ta ý thức hơn thì mới mong thay đổi".
Độc giả blknemesis98 chỉ ra vấn đề: "Nói chung là nhiều người còn thiếu kiến thức về khoa học trong ăn uống. Người Nhật cũng đi xe hơi và xe điện công cộng nhưng họ vẫn đi bộ hay vận động. Còn ở ta dù xa dù gần vẫn cứ leo lên xe máy chứ mấy ai đi bộ.
Ăn uống thì người Việt không chia phần theo người mà thường ăn no nê tùy thích, nên sẽ rất dễ thiếu chất này mà dư chất khác.
Còn đi bộ và xe đạp thì vỉa hè thì bị lấn chiếm, xe cộ chạy đầy đường gần như không có chỗ cho xe đạp".
Người Nhật ăn ít thịt hơn những nước khác mà hải sản, chất lên men và rau củ luôn được đưa vào những bữa ăn. Trong một bữa ăn của người Nhật mỗi người có một mâm cơm riêng bao gồm nhiều món ăn với liều lượng vừa đủ với cơm, canh, món chính, rau củ và dưa chua chứ không phải để chung một dĩa lớn rồi muốn ăn bao nhiêu tùy thích như chúng ta.
Người Nhật được chơi thể thao và vận động từ nhỏ và đi bộ nhiều hơn những nước khác nên căn bản người Nhật ít mập. Ngoài ra về thẩm mỹ và văn hóa người Nhật không cho là mập là sang như người Việt hay người Hoa. Họ rất ngại được cho là mập nội tạng (metabolic syndrome). Đây là hội chứng chuyển hóa hoạt động cơ thể không tốt, một tình trạng dễ tích tụ mỡ nội tạng quá mức, gây ra tăng huyết áp, tăng nguy cơ 'xơ cứng động mạch', gây nhồi máu não và nhồi máu cơ tim.
Những thức ăn chứa chất lên men điển hình nhất của người Nhật như sau.:
1. Natto, một loại đậu nành ủ cho lên men để ăn.
2. Miso, một loại tương lên men thông thường được nấu canh miso.
3. Koji, một gia vị lên men được làm từ gạo hay lúa mì thông thường được ướp và thịt, cá khi nấu nướng.
4. Umeboshi, trái mơ lên men có vị mặn để ăn với cơm.
5. Dưa chua, những loại rau củ lên men để ăn với cơm.
Chất lên men làm cho đường ruột hoạt động tốt dễ tiêu hóa và cũng là một yếu tố giúp cơ thể khỏe mạnh hơn.Đó cũng là lý do mà người Nhật sống lâu hơn và ít mập hơn phần còn lại của thế giới".
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.