"Đáng báo động là tình trạng béo phì ở trẻ em độ tuổi đi học, tăng từ 8,5% lên 19% chỉ trong vòng 10 năm (2010-2020), đặc biệt khu vực thành thị cao gấp đôi nông thôn", bác sĩ Đặng Trúc Lan Trinh, Phó khoa Nội tiết - Thận, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, nói tại hội nghị khoa học thường niên, ngày 29/7.
Tính trên tổng dân số, tỷ lệ người béo phì ở Việt Nam vẫn còn ở mức thấp hơn so với các nước như Malaysia, Thái Lan nhưng tốc độ tăng năm sau cao hơn nhiều so với năm trước. Cụ thể, tỷ lệ gia tăng béo phì hàng năm ở nước ta là 38%, so với mức 10-20% của các nước Đông Nam Á.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận khoảng 1,9 tỷ người thừa cân béo phì, trong đó một tỷ người béo phì trên toàn cầu, ước tính tăng thêm khoảng 167 triệu người năm 2025.
Theo bác sĩ Trinh, béo phì là sự tích lũy mỡ bất thường và quá mức ở một số bộ phận hay toàn bộ cơ thể. Bệnh làm tăng gánh nặng nền kinh tế, ảnh hưởng sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống. Đây là nguyên nhân khiến nguy cơ tử vong sớm tăng cao với khoảng 2,8 triệu người chết hàng năm, đặc biệt là tình trạng béo phì ở trẻ em.
Trước đây, béo phì không được công nhận là bệnh lý, bị từ chối chi trả bảo hiểm. Gần đây, béo phì được các tổ chức y tế bao gồm WHO và Hiệp hội Y khoa Mỹ (AMA) công nhận là một bệnh mạn tính, phức tạp, đa yếu tố, đòi hỏi phải quản lý và điều trị lâu dài. "Chúng ta cần thay đổi quan niệm không đúng, cho đây là bệnh do lối sống sai lầm, sự thiếu ý chí, hay chỉ xem nó là yếu tố nguy cơ của bệnh lý khác", bác sĩ Trinh nói.
Trên thực tế, bệnh có thể do gene, tâm lý xã hội hoặc các yếu tố như thần kinh, chuyển hóa, môi trường. Bệnh có thể do tiêu thụ nhiều chất béo, thức ăn đồ uống ngọt, ít vận động, thiếu ngủ, hút thuốc lá nhiều, dùng thuốc điều trị tâm thần, thuốc corticoid...
Bác sĩ nhận định chế độ ăn truyền thống của người Việt Nam vốn rất lành mạnh với nhiều rau củ, ít thịt cá. Chế độ ăn đang ngày càng thay đổi theo hướng tăng nguy cơ thừa cân, béo phì với làn sóng thức ăn nhanh, ăn hàng quán nhiều hơn tự nấu, cách chế biến chiên, xào, nướng, áp chảo nhiều hơn kho, hấp, luộc. Người dân chọn thực phẩm đông lạnh, đóng hộp hơn thực phẩm tươi sống, uống nhiều rượu, bia, nước giải phát có đường...
Các nghiên cứu ghi nhận 70% người Việt Nam trưởng thành không đạt mức vận động thể lực được khuyến cáo, với số bước chân trung bình một ngày là 3.600 (khuyến cáo là 10.000 bước mỗi ngày). Lối sống ít vận động cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến thừa cân, béo phì.
Béo phì có tác động bất lợi lên tất cả các vấn đề sức khỏe, làm giảm tuổi thọ, gây nhiều bệnh lý mạn tính không lây như tim mạch, tiểu đường, đột quỵ, trầm cảm, ung thư, nhồi máu cơ tim. Ước tính khoảng 13 loại ung thư liên quan béo phì như vú, tử cung, buồng trứng, gan, mật, tụy, tuyến giáp, đa u tủy. Ở phụ nữ, béo phì khiến tỷ lệ đậu thai thấp, tăng huyết áp thai kỳ, tăng nguy cơ tiền sản giật, tăng nguy cơ đái tháo đường thai kỳ, dễ sinh non, thai lưu, thai to, trẻ sinh ra có thể chất kém.
Bác sĩ thường sàng lọc thừa cân, béo phì bằng cách dùng chỉ số khối cơ thể (BMI). Chỉ số này được tính bằng cân nặng (kg) chia cho chiều cao (m) bình phương. Các ngưỡng cụ thể để đánh giá tùy theo vùng, dân tộc. Theo quy định của Bộ Y tế Việt Nam, chỉ số này từ 23 là thừa cân, từ 25 là béo phì.
Hiện nay, các bác sĩ điều trị béo phì bằng cách tiếp cận từng bước, đa mô thức, cá thể hóa. Người bệnh được đánh giá, điều trị yếu tố nguy cơ tim mạch, thay đổi lối sống toàn diện. Nếu không đạt mục tiêu giảm từ 5% cân nặng, phải kết hợp dùng thuốc. Khi BMI từ 30 trở lên kèm nhiều bệnh liên quan béo phì, bác sĩ tính toán đến việc phẫu thuật.
TS.BS Phan Mai Tường Anh, Phó khoa Ngoại Tiêu hóa, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, cho biết phẫu thuật giúp giảm cân đáng kể hơn so với điều trị thông thường, giúp giảm các bệnh lý đi kèm, cải thiện chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, phẫu thuật sẽ có liên quan biến chứng và tử vong, không phải phù hợp với tất cả người bệnh béo phì.
Lê Phương