Con gái lớn của tôi đang là sinh viên năm thứ nhất ngành Tâm lý học tại trường Đại học Eramus Rotterdam, Hà Lan,. Sau năm tháng ở Hà Lan, con được nghỉ đông ba tuần nên đã tranh thủ ít ngày nghỉ đi đón Giáng sinh và Tết Dương lịch tại ba nước châu Âu là Hà Lan, Đức, Bỉ. Sau trải nghiệm đón Tết ở ba nước vừa qua, con tôi gọi về nói rằng: "Tết Dương lịch ở châu Âu không vui như Tết Nguyên đán ở Việt Nam".
Con nói: "Tết Dương lịch đối với người dân châu Âu cũng bình thường như những ngày khác. Đêm giao thừa họ cũng có bắn pháo hoa rồi các nhà dân đều đóng cửa im lìm, không đi chơi như người Việt".
Trong khi đó, Tết cổ truyền Việt Nam là dịp để thờ cúng tổ tiên và gia đình sum họp, cùng nhau chia sẻ những câu chuyện cũ trong năm. Đối với những người Việt ở nước ngoài, mặc dù đã quen với phong tục, tập quán ở nước sở tại, họ vẫn luôn hướng về những giá trị truyền thống và những dịp lễ quan trọng. Đặc biệt là ngày Tết cổ truyền, luôn có vị trí quan trọng trong tâm trí của mỗi người.
Con gái tôi tâm sự rằng "lúc ở nhà với mẹ thì thấy Tết cũng bình thường, nhưng khi đi học xa nhà mới thấy nhớ nhà, thèm cảm giác được đón Tết cùng gia đình, nhớ những phong tục truyền thống: tất bật làm cơm cúng ngày 23 tháng Chạp (cúng ông Công ông Táo), thả cá chép xuống ao hồ, đi chợ hoa...
Có một kỷ niệm mà con nói không bao giờ quên, đó là cứ đến ngày 28-29 Tết lại được quây quần cùng cả nhà để gói bánh chưng. Bây giờ, học đại học ở châu Âu, con buồn vì không còn được sống trong không khí ấm áp đó, không được rửa lá dong, ngồi trông bếp luộc bánh suốt 12 tiếng, nướng ngô, nướng khoai, vừa ăn vừa nói chuyện với cả nhà. Niềm vui lớn nhất của con là khi luộc bánh xong, được vớt bánh và tìm ra đúng cái bánh nhỏ xinh mà mình đã tự gói và tự đánh dấu bằng lạt.
>> Bắt tội nhau vì nồi thịt kho hột vịt ngày Tết không ai ăn
Sáng 30 Tết, cả nhà tôi lại cùng nhau bày biện bàn thờ. Đây là việc quan trọng nhất khi chuẩn bị Tết. Chính giữa bàn thờ là nơi đặt mâm ngũ quả, gồm năm loại quả tượng trưng cho ngũ hành hoặc năm yếu tố về nhận thức của đạo Phật. Ở miền Bắcm mâm ngũ quả thường có một nải chuối, một quả bưởi hoặc phật thủ, quất, hồng. Bên cạnh mâm ngũ quả thường có thêm đĩa trầu cau, hộp mứt, chai rượu, gói chè mạn trong giấy hồng điều, cặp bánh chưng xanh, cùng với lọ hoa Tết.
Ngày 30 Tết thường là ngày quan trọng và bận rộn nhất. Cả gia đình tôi hối hả hoàn tất công việc trước giao thừa để đầu năm mới không được thiếu sót thức gì. Nhà cửa cũng phải dọn dẹp xong và rác năm cũ sẽ được mang đi đổ vì phong tục sang năm mới, người Việt kiêng quét nhà.
Mặc dù thời hiện đại, các thủ tục ngày Tết đã giản tiện đi nhiều nhưng với chúng tôi, có những việc nhất thiết vẫn phải gìn giữ, chẳng hạn việc làm cỗ cúng. Mâm cỗ cúng truyền thống miền Bắc thường có sáu bát, sáu đĩa, không thể thiếu các thức cơ bản như bánh chưng (bánh tét), giò, nem... Ngoài mâm cỗ tất niên vào chiều 30 Tết, còn có mâm cỗ cúng giao thừa và hai ngày Tết tiếp theo. Khi đã xong xuôi mọi việc, nhà tôi lại đun một nồi nước cây mùi già để tắm tất niên.
Ba ngày Tết, người Việt thường quan niệm "mồng Một Tết cha, mồng Hai Tết mẹ, mồng Ba Tết thầy". Thế nên, sáng mồng Một Tết, vợ chồng, con cái, anh em ruột thịt nhà tôi sẽ tập trung bên nội để cúng bái gia tiên và chúc Tết ông bà, cha mẹ để tỏ lòng thành kính. Sau khi làm lễ cúng xong, cả nhà quây quần quanh bàn nước để chúc nhau những điều tốt đẹp cho năm mới. Con cháu sẽ biếu những phong bao lì xì đựng tiền mừng tuổi cho ông bà để mong các cụ sống lâu; bố mẹ và người lớn cũng mừng tuổi cho trẻ nhỏ để lấy may, mong chăm học, chăm làm, ngoan ngoãn.
Số tiền mừng tuổi mang tính tượng trưng chứ không phải tiền to. Các con tôi thích nhất là được lì xì năm mới, rồi tổng kết xem được nhiêu tiền và đem đi gửi tiết kiệm trong ngân hàng, tích lũy một khoản tiền nho nhỏ phục vụ cho việc học tập trong tương lai.
Ngày mồng Hai Tết, vợ chồng, con cái tôi sẽ sang thăm hỏi và chúc Tết bên nhà ngoại. Mồng Ba Tết là ngày dành cho thầy cô giáo. Đây cũng là ngày mọi người đi thăm các bạn bè, đồng nghiệp. Những ngày Tết tiếp theo, tôi hay dẫn con đi Văn Miếu và vãn cảnh đền chùa. Mẹ con tôi không mua sắm nhiều thức ăn, đồ đạc vào ngày Tết, chủ yếu là cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, dọn dẹp tâm hồn, chuẩn bị sẵn tâm hồn đẹp để đón năm mới cùng nhau là thấy hạnh phúc tràn đầy. Xét cho cùng, ở đâu có gia đình thì ở đó có Tết.
Con gái tôi kể rằng, chợ châu Á bên Hà Lan cũng bán bánh chưng, giò, chả và các đồ ăn của Việt Nam, nhưng rất đắt, tính ra tới mấy trăm nghìn đồng một chiếc bánh chưng, nên con tiếc tiền không dám mua. Tâm trạng chung của du học sinh như con tôi là muốn được về Việt Nam ăn Tết. Các bạn học của con gái tôi đều nói "không ở đâu ăn Tết vui bằng quê nhà".
Vì thế, mong rằng những ai đang có điều kiện để trở về, đừng lãng phí cơ hội được bận bịu, sum vầy, mệt nhưng vui cùng người thân ở quê nhà. Đó sẽ là những kỷ niểm quý giá mà chỉ khi đi xa rồi, bạn mới thấy nâng niu và khao khát nhiều đến thế nào.
- Tuổi 30 thèm về quê ăn Tết
- 'Cỗ Tết ra chợ mua thay vì con dâu còng lưng nấu nướng'
- Tôi nhường chồng ăn Tết nhà nội đến mùng Ba
- Vợ chồng tôi tự lo Tết khi con cháu kéo nhau đi du lịch 10 ngày
- Tôi để hai con trai ăn Tết nhà vợ
- 'Hết thời con dâu bắt buộc phải lo Tết nhà chồng'