Đó là quan điểm của nhiều độc giả VnExpress sau khi đọc bài viết phương pháp dạy Toán khác biệt của Singapore.
Độc giả The Great bình luận: "Ở Việt Nam môn nào cũng phải sắc sảo như gai mít. Học toán lớp 3, lớp 4 thôi nhưng độ khó tăng dần giống như các bé chuẩn bị thành nhà toán học, gây mệt mỏi cho cả trẻ em lẫn bố mẹ của chúng. Mong muốn giáo trình sẽ nhẹ đi để trẻ em có tuổi thơ nhưng hiện tại thì không thấy thay đổi, trẻ em vẫn như con robot".
"Con tôi mới lớp 5 mà có nhiều bài toán khó tôi suy nghĩ mãi mới giải được. Ra được kết quả rồi nhưng không biết phương pháp giải có đúng không? Những bài như vậy trước đây được học vào lớp 7 hoặc lớp 8 nay bị đẩy xuống lớp 5." - độc giả Khoi Quang chia sẻ ý kiến.
Còn theo độc giả Xuân Khánh: "Nước ngoài dạy học cho trẻ hiểu được cốt lõi vấn đề, còn học sinh Việt Nam thì toàn học "mẹo". Ví như phép nhân một số với 11, xác định số chia hết cho 3 cho 5, hay phương pháp nắm bàn tay trái/ phải trong môn vật lý cấp 3... học sinh làm theo sẽ có kết quả chính xác và nhanh nhất nhưng chẳng hiểu tại sao lại như thế?"
Trong khi đó, độc giả Cskh cho rằng có thể rút ngắn thời gian học: "Tôi không hiểu mục tiêu giáo dục phổ thông của Việt Nam là gì khi dạy toàn những thứ cao siêu để cuối cùng khi ra đời hơn 90% chỉ sử dụng cộng, trừ, nhân, chia để ứng dụng trong cuộc sống. Những thứ như hàm số, lượng giác, căn thức... mấy ai dùng tới. Giáo dục cũng nên có mục tiêu của ngành mình. Theo tôi cấp phổ thông chỉ cần xong lớp 10 là đẹp, sau đó tùy khả năng của mỗi người họ sẽ chọn cho mình nghề phù hợp.
Giáo dục như hiện nay tôi thấy phí mất 2 năm. Có thể lấy 2 năm này để rèn luyện đạo đức cho trẻ trước khi bắt đầu học các kiến thức khác. Ra đời đi làm, tôi thấy một người giỏi nghề đóng góp cho công ty rất nhiều và đương nhiên cũng kiếm tiền tốt. Hiện Việt Nam theo tôi quá thừa cử nhân, tiến sỹ, giáo sư mà lại thiếu thợ lành nghề trầm trọng. Hy vọng dân Việt sẽ thay đổi suy nghĩ, bớt đi sĩ diện hão để sống tốt hơn".
Độc giả Trieutylike cho rằng: "Toán lớp 3 của Sing bằng Toán lớp 1 của Việt Nam, giống nhau cơ bản nhưng toán Việt làm ngược lại. Ở phần làm bài tập, môn Toán ở nước ta cho trẻ em đọc lời bài toán trước, sau đó bắt các em tự vẽ sơ đồ minh hoạ và tím đáp số. Do vậy, trẻ em Việt Nam nào ngôn ngữ trung bình hoặc kém sẽ dốt toán ngay từ lớp 1, sẽ được nhà trường, thầy cô gợi ý dạy thêm".
Độc giả NTB chỉ ra một sự thiếu hợp lý trong quá trình dạy học tại Việt Nam: "Bậc tiểu học làm quen toán với tư duy kiểu số học. Tư duy số học là kiểu tư duy có tính cơ bản và nền tảng, nên cực kỳ khó (tương tự ngôn ngữ lập trình cơ bản so với ngôn ngữ lập trình bậc cao). Nếu biết cách dạy và giúp trẻ hiểu được để áp dụng thì lại là điều cực kỳ thú vị, gây kích thích, phấn khích cho não bộ của trẻ. Ở ta, chủ yếu là dạy mẹo và công thức, nên cũng chẳng giúp ích gì cho tư duy của trẻ, trừ một vài trẻ xuất chúng".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.