Tại tọa đàm Người dạy và học Sử cùng thay đổi ngày 11/1, ông Du cho rằng chương trình Lịch sử ở phổ thông đang rất nặng, chú trọng vào ghi nhớ số liệu và các diễn biến. Với thời khóa biểu có hạn, giáo viên không thể đào sâu vào bất kỳ sự kiện nào mà phải dạy dàn trải cho hết chương trình được giao.
Nhiều người muốn đổi mới tiết học bằng cách chiếu phim tư liệu cho học sinh xem hoặc làm các dự án nhưng thời gian không cho phép. Giáo viên phải căng mình để dạy chương trình, bởi với bổn phận là viên chức, họ phải hoàn thành chỉ tiêu nghĩa vụ.
"Cách đảm bảo không cháy giáo án nhất là giảng lướt qua, học trò ghi chép và rồi kết thúc tiết học. 45 phút mà dạy một cuộc chiến tranh kéo dài 4 năm thì làm sao kịp?", ông nói.
Điều thú vị của lịch sử, theo ông Du là những câu chuyện lắng đọng đằng sau sự kiện chứ không phải là thống kê, diễn biến vô hồn. Nhưng cách kiểm tra môn Sử cũng triệt tiêu sự sáng tạo, làm cho cả thầy và trò ngán môn này khi quá thiên về đánh giá trí nhớ và hệ thống sự kiện.
Thầy giáo này nêu thực trang, học sinh trung học, đặc biệt lớp 12 - ngưỡng quan trọng bước vào đại học, gần như bỏ lơ môn này. Đặc biệt khi môn học nằm trong tổ hợp môn xã hội trong kỳ thi THPT quốc gia, học sinh được quyền tự chọn thì càng ít người học.
"Nhiều em nói thẳng với tôi chỉ học để không bị điểm liệt. Bước vào lớp học, đôi khi tôi muốn tìm được một học sinh say sưa nghe mình giảng để lấy cảm hứng, bởi nhiều em còn bận mở vở Toán, Lý ra làm bài", ông kể.
Theo giáo viên này, Lịch sử hiện chưa được đặt đúng vị trí là một môn khoa học. Quan niệm môn Sử là môn phụ vốn không phải là quy ước của ngành giáo dục mà được tạo ra bởi chính người dạy, người học và xã hội.
Do đó, vai trò của người thầy rất quan trọng là tạo được niềm đam mê, hứng khởi cho người học. Khi đã có đam mê thì môn học sẽ không còn khái niệm chính hay phụ.
Trong thời buổi công nghệ thông tin, trách nhiệm của người dạy Sử càng quan trọng hơn, bởi học sinh được tiếp cận nhiều luồng thông tin lịch sử trên mạng xã hội với những bài viết thuyết phục. Người thầy khi đó phải rất giỏi, đủ kiến thức để làm mũi neo cho trò, giúp họ nhận thức đúng.
Đồng tình với quan điểm phải xem Lịch sử là môn khoa học trong nhà trường, TS Bùi Trân Phượng (nguyên Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen) nói đối tượng nghiên cứu môn này là con người và xã hội trong quá khứ. Hiểu quá khứ có thể để soi rọi hiện tại và rút ra bài học cho tương lai. "Học sử cho đúng nghĩa mới khó. Nếu học để đi thi, học để lấy điểm thì chỉ là sự o ép, có thể dùng chiêu", bà Phượng nói.
Về phương pháp, học sử trước hết là học nghi ngờ, biết phân biệt các khái niệm và minh chứng. Bất kỳ sự kiện lịch sử hay ý nghĩa của nó phải có những tư liệu đa chiều, đáng tin cậy để chứng minh.
Do đó, oán giận kẻ độc ác, xâm lược hay ca ngợi người anh hùng đều có những lý giải, minh chứng khoa học. Tôn trọng lý tính của Lịch sử là mấu chốt để môn học này trở nên khoa học, hấp dẫn trong trường học, bà Phượng nêu quan điểm.
Trong kỳ thi THPT quốc gia 2019, 70% số bài thi Lịch sử điểm dưới 5, điểm trung bình môn là 4,3, thấp nhất trong 9 môn thi. Nhiều năm trở lại đây, điểm môn Sử cũng luôn nằm trong top thấp nhất trong các môn thi THPT quốc gia.
Thầy giáo Nguyễn Viết Đăng Du được nhiều đồng nghiệp khen là giáo viên giỏi với biệt tài đánh thức niềm đam mê học Sử của học sinh. Ông có nhiều sáng tạo trong phương pháp dạy học, dạy theo dự án, dạy học liên môn, cách ra đề mới lạ.
TS Bùi Trân Phượng tốt nghiệp cử nhân giáo khoa Lịch sử tại Đại học Paris (Pháp) năm 1972 và Tiến sĩ tại Đại học Lyon 2 năm 2008. Bà Phượng từng giảng dạy và quản lý tại khoa Sử (Đại học Sư phạm TP HCM) và có khoảng 10 năm làm Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen.