Tối 10/3, khi các thành viên của một diễn đàn dành cho các bậc cha mẹ trên mạng xã hội xôn xao về một đoạn video "xin vía học giỏi" của một YouTuber có tiếng, chị Phạm Liên (Cổ Nhuế, Hà Nội) lại cảm thấy "không mấy ngạc nhiên".
"Tôi biết là sẽ có ngày mọi người nhận ra đây là thứ 'thuốc độc' đối với trẻ con", người phụ nữ nói và cho biết cháu trai chị từng là nạn nhân của các video độc hại kiểu này.
Năm học lớp 4, Quân - cháu trai Liên - được bố mẹ cho sử dụng điện thoại. Kể từ đó, cậu bé dần dần biến thành một đứa trẻ khác, sẵn sàng đánh em hoặc quát lại bố mẹ. Có lần, bố cháu đang gội đầu bỗng thấy trên đầu có gì đó nhớt nhớt chảy xuống. Người đàn ông vuốt tóc xuống thì thấy đầy trứng sống còn thằng con 10 tuổi bên ngoài vỗ tay cười khanh khách. Hỏi sao làm thế với bố, Quân tỉnh queo: "Trên YouTube, có anh còn đổ cả thau trứng vào đầu mẹ, con chỉ đổ có vài quả thôi mà".
Lần khác, thấy Quân chăm chú xem điện thoại với dáng vẻ thích thú, chị Liên lại gần hỏi, cậu bé hào hứng: "Hay lắm bác, chém lộn mà còn được đăng cả YouTube" và kể vanh vách những nội dung vừa xem, tuyên bố rằng sau này nó sẽ "sống chết vì anh em", bởi "tình nghĩa huynh đệ là trên hết".
Cháu trai nói xong, cổ họng chị Liên nghẹn đắng. Theo đánh giá của người bác, trước khi được dùng điện thoại, cậu bé này ngoan ngoãn và biết nghe lời.
Cho đến giờ, anh Nguyễn Đông Phương (Đống Đa, Hà Nội) vẫn chưa dám chắc những video chế biến lại nội dung, hướng dẫn trẻ tự tử, giết người... đã được xóa hết khỏi trí nhớ của cô con gái ba tuổi hay chưa.
Anh có hai con, con lớn học lớp 2, con út 3 tuổi, cả hai vẫn đang ở tuổi thích những hình ảnh ngộ nghĩnh nên ông bố "chưa bao giờ hạn chế con xem phim hoạt hình". Đôi khi vì bận, anh vẫn nhờ con lớn giúp em tìm phim khi đến giờ ăn. Cô bé đặc biệt thích bộ phim về một chú heo con.
Đây là chú heo dễ thương với nhiều tình huống vui nhộn cùng bài học bổ ích. Thế nhưng không biết vì nguyên nhân gì mà một số video bị chèn, chế biến lại với nội dung hướng dẫn tự tử, giết người. Các video hoạt hình trá hình này được xây dựng rất tinh vi, rất khó phát hiện nếu chỉ nhìn qua. Mở đầu sẽ chỉ là các bài hát, nhân vật hoạt hình như bình thường, nhưng sau đó các nhân vật trong clip sẽ làm những hành động bạo lực. Ngay sau khi xem được tập phim trá hình, cô bé 3 tuổi tỏ ra sợ hãi, liên tục hỏi "Tại sao bạn heo lại như vậy?". Buổi tối cô bé ngủ trằn trọc, thỉnh thoảng bật dậy khóc ré lên, ôm chầm lấy bố nức nở.
Trong những năm qua, số vụ việc đau lòng xảy ra với trẻ em do ảnh hưởng từ những video nhảm, video độc hại... ngày càng nhiều nhưng dường như các bậc cha mẹ vẫn chưa thực sự cảnh giác với nguồn nguy cơ này.
Tháng 11/2019, một bé trai 7 tuổi, ở huyện Nhà Bè, TP HCM được gia đình phát hiện đang treo cổ bằng chính chiếc khăn quàng đỏ, người tím ngắt, ngất lịm. Do được cấp cứu kịp thời nên cậu bé giữ được tính mạng. Khi được hỏi, bé cho biết, mình làm theo trò 'thắt cổ nhưng vẫn thở được" trên YouTube.
Không may mắn như cậu bé này, ngày 26/11/2020, một bé trai 8 tuổi, ở xã Bình Minh, huyện Trảng Bom, Đồng Nai được gia đình phát hiện tử vong trong nhà tắm với tư thế treo lơ lửng ở sát tường. Trước đó, ngày 12/10, một cháu bé 5 tuổi ở TP HCM đã dùng khăn voan để treo cổ dẫn đến cái chết thương tâm. Người nhà của các nạn nhân này đều đặt giả thuyết con đã bắt chước những video "thử thách treo cổ không chết" trên mạng.
Theo chuyên gia giáo dục Vũ Thu Hương (Hà Nội), số lượng các kênh video có nội dung nhảm nhí, thậm chí là phản cảm và độc hại có xu hướng bùng nổ trong vài năm qua. "Những video với nội dung xấu sẽ từ từ đi vào tiềm thức. Khi trẻ bị kích thích sẽ hành động theo tiềm thức có sẵn, dễ gây nguy hiểm cho bản thân trẻ cũng như người xung quanh", bà Hương nói.
Báo cáo của YouTube cho biết, chỉ riêng trong quý III/2020, nền tảng này đã xóa tổng cộng 7,8 triệu video vi phạm nguyên tắc cộng đồng. Trong đó, số video bị xóa đến từ IP Việt Nam là 173.000, xếp thứ 9 thế giới về số lượng vi phạm. Các video vi phạm chủ yếu có nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực, quấy rối, hoặc gây thù hận. Đặc biệt, gần 32% số video bị xóa trên toàn thế giới mang nội dung nguy hiểm cho trẻ em.
"Cha mẹ nên thường xuyên cùng con xem các phương tiện giải trí nhằm giúp con tránh các thông tin độc hại, vừa là cách để bên con nhiều hơn", bà Hương nói.
Ngoài ra, những nền tảng như YouTube hay các kênh video giải trí khác cũng cần phải được quản lý chặt chẽ. Mỗi ngày gia đình cần kiểm tra trong lịch sử xem con đã xem qua những video nào, bên cạnh đó những biện pháp như khóa các kênh không phù hợp với lứa tuổi cũng là lựa chọn rất hữu ích. Cũng theo nhà giáo dục này, bố mẹ cũng nên thẳng thắn trao đổi hướng dẫn trẻ những video nào là bổ ích, video nào chưa phù hợp lứa tuổi để trẻ có thể bảo vệ mình.
Với gia đình chị Liên, phát hiện tình trạng của Quân, một cuộc họp được mở ra. Tại đây người bác đề ra một số quy tắc gợi ý giống như những gì chị đang thực hiện với con gái mình như: Trước khi lên cấp 3 sẽ không được dùng điện thoại di động; trong phòng ngủ không đặt máy vi tính; chặn các nội dung xấu trên Internet; Cấm tuyệt đối sử dụng iPad... Nếu Quân không nghe lời, cắt kết nối Internet trong 24 giờ.
Còn gia đình Phương, từ khi biết con bị ảnh hưởng tâm lý bởi YouTube "bẩn", anh không để bé ở một mình, đèn ngủ luôn được bật tránh bé sợ hãi. Thay vì để con tự do xem YouTube như trước, anh đưa con đi chơi và nói chuyện với bé nhiều hơn. Những quyển truyện tranh vui nhộn, nhiều màu sắc cũng được ông bố này mua về để con quên hình ảnh xấu đã kịp lưu lại trong não. Dù làm vậy nhưng ông bố này vẫn lo trẻ bị gây tò mò sau này: "Sợ nhưng vẫn muốn xem". Vì thế, anh đặt ra quy định rõ hai con không được xem những video "bẩn" này, chẳng may xuất hiện phải thông báo với bố mẹ.
"Việc cấm này giống như bạn nói với đứa trẻ về việc không được uống rượu vậy", ông bố hai con nói.
Trong thời đại công nghệ, bố mẹ không thể cấm hoàn toàn việc con tiếp xúc với những nội dung giải trí trên Internet nhưng sẽ hạn chế được những video độc hại ảnh hưởng đến con cái nếu lưu ý những điều dưới đây.
- Sử dụng chế độ (ứng dụng) dành cho trẻ em của các nền tảng video.
- Bật chế độ hạn chế (Restricted Mode)
- Hạn chế cho trẻ sử dụng tai nghe để người lớn có thể dễ dàng theo dõi, kiểm soát nội dung trẻ đang xem.
- Chuẩn bị sẵn các kênh phù hợp cho trẻ và yêu cầu chỉ được xem các kênh này.
- Xem cùng trẻ.
Hải Hiền- Phạm Nga