"Thách thức lớn nhất của chúng ta là chuỗi cung ứng, đặc biệt là chip vi điều khiển. Chưa bao giờ tình cảnh lại xảy ra", Elon Musk trả lời tweet của chuyên gia công nghệ Pierre Ferragu. "Nỗi sợ hết hàng đang khiến mọi công ty gom hàng quá mức cần thiết, giống tình trạng thiếu giấy vệ sinh trước đây nhưng quy mô lớn hơn".
Năm ngoái, khi đại dịch bùng phát, rất nhiều người Mỹ đổ xô tích trữ giấy vệ sinh vì sợ thiếu nguồn cung. Điều này khiến siêu thị trên khắp nước Mỹ không còn cuộn giấy vệ sinh nào. Ở thị trường "chợ đen", giá của sản phẩm này cũng bị đội lên rất nhiều lần.
Tương tự những tháng gần đây, các nhà sản xuất ôtô đang đổ xô tích trữ chip máy tính. Sự thiếu hụt chip cũng khiến giá ôtô bị đẩy lên cao, kể cả xe cũ lẫn xe mới. Bên cạnh đó, thời gian sản xuất một chiếc xe lâu hơn trước đây, cũng như chi phí nguyên vật liệu tăng cao.
Tesla không nằm ngoài danh mục các công ty bị ảnh hưởng do thiếu chip. Tuần trước, Financial Times đưa tin rằng công ty của Musk đang đàm phán để đặt cọc một lượng lớn chất bán dẫn với giá cao hơn. Tesla cũng được cho là đang trong giai đoạn đàm phán mua lại một nhà máy sản xuất chip riêng.
Nguyên nhân chủ yếu của việc khủng hoảng chip toàn cầu đang diễn ra là do ảnh hưởng của Covid-19, cũng như sự chậm trễ của các cảng biển và tình trạng thiếu cointainer vận chuyển trên toàn cầu. Theo ước tính của AlixPartners, ngành công nghiệp ôtô sẽ thiệt hại khoảng 110 tỷ USD do tình trạng chip thiếu hụt.
Hiện tại, nhiều nhà sản xuất ôtô buộc phải đóng cửa một số nhà máy, đồng thời ưu tiên những mẫu xe có lợi nhuận cao nhất. Thậm chí, các công ty còn tìm cách giảm các thành phần liên quan đến chip, như hệ thống định vị và phát hiện va chạm.
Tháng trước, Elon Musk thừa nhận các vấn đề về chuỗi cung ứng đang gây ra "những khó khăn điên cuồng" cho Tesla. Nó cũng khiến thời gian sản xuất ôtô điện bị chậm đi đáng kể. Công ty cũng buộc tăng giá một số mẫu xe do chi phí nguyên liệu thô và áp lực chuỗi cung ứng tăng cao, đồng thời trì hõa ra mắt xe mới.
Bảo Lâm (theo Business Insider)