Năm 2024, con gái tôi đã nhận được thông báo trúng tuyển của 2 trường đại học ở Hà Lan là Đại học Eramus Rotterdam và Đại học Maastrict. Con đã lựa chọn trở thành sinh viên ngành Tâm lý học, trường Đại học Eramus Rotterdam.
Suốt mấy tháng đầu sau khi con đi học, 12h đêm nào mẹ con tôi cũng gọi video trò chuyện với nhau. Vì Việt Nam và Hà Lan chênh lệch múi giờ mùa hè là 5 tiếng, mùa đông là 6 tiếng. Muốn nói chuyện với con chỉ có cách chờ con đi học ở trường về là 6h tối ở Hà Lan tương ứng với 12h đêm ở Việt Nam.
Nghe con chia sẻ thông tin thì tôi thấy giáo dục đại học ở Hà Lan khác Việt Nam ở một số điểm:
Thứ nhất, sau khi hoàn thành thủ tục nhập học, Nhà trường sẽ thông báo thời khóa biểu tất cả các môn học trong cả một năm cho tất cả các lớp chứ không phải chờ hết học kỳ 1 mới có thời khóa biểu học kỳ 2 như Việt Nam.
Các bài giảng cứ thế răm rắp tuân thủ theo từ tuần tiên đến tuần cuối cùng. Và đặc biệt các giảng viên rất đúng giờ, hầu như họ đều vào lớp trước giờ học, khó có thể tìm được buổi học nào mà thầy cô lên lớp muộn.
Chương trình đào tạo đại học ngành Tâm lý học của Hà Lan là 3 năm. Một năm học được phân thành 4 học kỳ chứ không phải 2 học kỳ như Việt Nam. Tháng 9 năm 2024, con tôi bắt đầu đi học đã biết luôn lịch học của tất cả các môn trong năm thứ nhất.
Thứ hai, sau khi nhập học, các trường đại học ở Việt Nam sẽ chia lớp học môn chung và lớp học chuyên ngành cố định cho cả quá trình mấy năm học. Lớp chuyên ngành tiếng Trung của tôi có hơn 20 bạn học cùng nhau suốt 4 năm đại học.
Trong khi đó, ở trường Đại học Eramus Rotterdam, khoa Tâm lý học khóa 2024-2027 có 600 sinh viên viên thì mỗi môn học sẽ phân danh sách 20 bạn học 1 lớp, các môn học khác nhau sẽ học cùng các bạn khác nhau, trong 3 năm học đại học các sinh viên sẽ lần lượt học cùng tất cả các bạn trong cùng một khóa chứ không có lớp học cố định 20 người suốt 3 năm học.
Các em sinh viên buộc phải thích nghi và học tập cùng tất cả các bạn trong khóa. Danh sách các môn học, danh sách lớp học theo từng môn học sẽ được đăng công khai trên Website của Nhà trường ngày từ đầu năm học.
Thứ ba, nếu như các trường đại học công lập ở Việt Nam đa số xếp lịch học cả tuần từ thứ 2 đến thứ 6, một ngày 10 tiết từ 7h đến 17h thì Hà Lan xếp lịch học trên lớp ít hơn nhiều.
Một tuần chỉ xếp lịch học vào 4 ngày. Một ngày sinh viên chỉ lên trường học từ 1- 2 ca, mỗi ca học trên lớp kéo dài 2h liên tục. Cuối tuần, con tôi phải đăng ký lịch lên Thư viện của khoa hoặc Thư viện của trường tự học ít nhất hơn 100 trang sách tiếng Anh chuyên ngành Tâm lý.
Đầu tuần mới đi học sẽ lên lớp thảo luận nhóm về nội dung đã tự học trong sách, giảng viên chỉ hướng dẫn và giải đáp các vấn đề khó sinh viên không hiểu chứ không giảng toàn bộ nội dung trong sách cho sinh viên chép bài như Việt Nam.
Sự tương tác giữa giáo viên và sinh viên tại Hà Lan thường rất lớn. Lớp học luôn được chia thành các nhóm nhỏ để thảo luận. Qua hoạt động này, sinh viên được tự do trình bày quan điểm cá nhân và được thoải mái trao đổi, sau đó đại diện nhóm sẽ trình bày quan điểm chung của cả nhóm trước lớp.
Giảng viên chỉ là người giữ vai trò tổng hợp ý kiến của các nhóm sau đó phân tích, bổ sung ý kiến giữa các nhóm thành nguồn kiến thức tham khảo chung cho cả lớp. Phương pháp dạy học như vậy đòi hỏi sinh viên phải có tính chủ động tự nghiên cứu, tự học rất cao.
Sinh viên phải có sự chuẩn bị rất kỹ trước khi đến lớp, các em phải đọc rất nhiều các tài liệu liên quan đến vấn đề sắp được thảo luận. Đến cuối giờ học, giảng viên tiếp tục cung cấp tới sinh viên danh sách các tài liệu cần đọc cho giờ học tiếp theo. Vai trò giáo viên trên lớp không còn là trung tâm nữa và họ làm việc cũng rất nhàn.
Tất cả những hoạt động và kỹ năng vừa nêu là nhằm trang bị cho sinh viên sau khi ra trường không chỉ giỏi về kiến thức cơ bản mà còn thành thạo trong các kỹ năng: làm việc nhóm; làm việc độc lập; sáng tạo; khả năng tự quyết; khả năng hùng biện và đặc biệt thói quen suy nghĩ một vấn đề theo nhiều góc độ bao gồm cả phản bác, phê phán.
Thứ tư, tại Việt Nam hiện nay, các bạn sinh viên chủ yếu được học tập dưới hình thức các bài giảng, tuy nhiên tại Hà Lan, sinh viên sẽ được học tập trong môi trường có tính thực tiễn cao hơn, ví dụ những bài tập thực hành thực tế, những bài tập nhóm mà chủ đề là những vẫn đề đang xảy ra trong thực tại.
Học kỳ 1, con tôi học một môn học mà con được tham gia vào Dự án của Nhà trường, tham gia các hoạt động giúp đỡ những người nhập cư vào Hà Lan để họ nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng.
Học kỳ 2, con học một môn học khác, trong lớp chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm có 2 người, mỗi nhóm phải tự liên hệ được một gia đình người nước ngoài có con ở độ tuổi dưới 15, nói được tiếng Anh, tự thỏa thuận ký hợp đồng với cha mẹ của đối tượng nghiên cứu. Được cha mẹ của đối tượng đó đồng ý cho phép sinh viên hẹn phỏng vấn con họ và ghi âm, quay video lại toàn bộ quá trình phỏng vấn để hoàn thành các bài tập nhóm của môn học.
Sống giữa một đất nước hoàn toàn xa lạ, không có gia đình, bạn bè ở bên đòi hỏi sinh viên phải nỗ lực hết sức, phải bằng mọi cách hoàn thành nhiệm vụ học tập của mình và các em luôn phải độc lập, năng động, sáng tạo, chăm chỉ.
Thứ năm, kỹ năng viết luận là một khái niệm còn khá mới mẻ đối với sinh viên Việt Nam. Nhưng khi học tập tại Hà Lan, bạn thường sẽ phải viết luận bằng tiếng Anh hoặc tiếng Hà Lan.
Trong các học kỳ, Nhà trường sẽ luôn sắp xếp một số môn học phải thi trắc nghiệm, một số môn phải viết tiểu luận. Bên cạnh kỹ năng viết và lập luận, kỹ năng đọc là một trong số những hoạt động quan trọng nhất mà sinh viên cần làm quen. Danh sách những gì cần đọc thường rất dài, và con tôi chia sẻ rằng có quá nhiều thông tin cần tiếp nhận và có quá ít thời gian để tiếp nhận chúng.
Thứ sáu, cách chấm điểm thi ở Hà Lan cũng khác Việt Nam. Hà Lan cũng đánh giá thang điểm 10 là cao nhất. Nhưng điểm đạt là 5,5 điểm chứ không phải 5 điểm như Việt Nam.
Khi thi trắc nghiệm trên máy tính, ở Việt Nam chỉ cần chọn đúng đáp án là được điểm tối đa. Nhưng ở Hà Lan, máy tính sẽ có công thức tính luôn được sinh viên chọn đáp án đó là do thực sự làm được hay chọn bừa. Máy tính thường trừ 0,6-0,7 điểm đối với những bài thi chọn bừa đáp án.
Do vậy, điểm thi rất hiếm bài đạt điểm 10, thành tích học tập không quá cao, không có tình trạng tỷ lệ sinh viên loại giỏi đạt đến 70% số sinh viên theo học như nhiều trường đại học ở Việt Nam. Nếu sinh viên Việt Nam thi trượt môn học nào đó sẽ được quyền đăng ký học lại, thi lại đến khi nào đỗ thì thôi.
Còn ở Hà Lan, sinh viên thi trượt chỉ có quyền đăng ký thi lại một lần duy nhất. Nếu thi trượt sẽ bị đuổi học luôn, không có cơ hội học tập tiếp. Do đó, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp, nhận bằng luôn ít hơn nhiều so với số sinh viên nhập học đầu vào. Đầu ra bị thắt chặt, khó khăn hơn rất nhiều so với Việt Nam.
Thứ bảy, không có sự phân biệt về tuổi tác trong lớp học. Lớp học của con tôi có những sinh viên đã ngoài 30 tuổi, đã tốt nghiệp một bằng đại học khác, đã kết hôn, sinh con nhưng vẫn đến trường học đại học chính quy như con tôi.
Ở Việt Nam, các học viên đã đi làm sẽ chỉ cần học đại học văn bằng 2, học buổi tối hay cuối tuần hay cũng có thể học hệ từ xa không cần đến lớp. Nhưng ở Hà Lan, dù bạn đã tốt nghiệp đại học, bạn vẫn phải thi đại học đầu vào, phải học toàn bộ thời gian ở trường như các học sinh mới tốt nghiệp THPT, không thể vừa đi học vừa đi làm như Việt Nam.
Do chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, hình thức đánh giá kết quả học tập khác nhau nên chất lượng giáo dục đại học cũng khác nhau. Nếu ngành Giáo dục Việt Nam muốn đổi mới phương pháp giảng dạy ở hệ đại học ở Việt Nam một cách hiệu quả thì nó luôn phải nằm trong sự đổi mới của cả một hệ thống đồng bộ.
Vũ Thị Minh Huyền