Ngày 6/8, tờ Tatler đăng bài phỏng vấn với con gái cố diễn viên nhân kỷ niệm 47 năm ngày mất của ông (20/7/1973). Cô cho biết: "Trước cha tôi, hình ảnh người châu Á trong mắt phương Tây gắn liền với những phẩm chất ít nói, chăm chỉ và quỵ lụy. Tôi không nghĩ họ nhìn nhận chúng tôi một cách hoàn chỉnh như những người bình thường khác. Lý do là chưa có ai đại diện cho chúng tôi tại đây".
Shannon cho biết cha cô hơn ai hết hiểu cảm giác bị đối xử khác biệt vì màu da, chủng tộc. Lý Tiểu Long sinh ra tại Mỹ nhưng sớm chuyển về Hong Kong sinh sống từ nhỏ. Mẹ ông là con lai, có dòng máu châu Âu. Tại Hong Kong, ông bị phân biệt đối xử bởi những bạn học người Anh tại trường. Lý Tiểu Long quyết định theo học võ sư Diệp Vấn từ năm 13 tuổi để chống lại những kẻ bắt nạt. "Lúc nhỏ, ông ấy gây khá nhiều rắc rối. Ông sẵn sàng ẩu đả với bạn học dù thường bị no đòn", Shannon nói.
Mục tiêu của Lý Tiểu Long là có những vai diễn vinh danh người châu Á tại Hollywood. Theo Shannon, trong giai đoạn từ năm 1950 đến 1970, người da trắng thường đóng vai châu Á tại Hollywood. Các nhân vật này thường là người hầu, phụ tá, ác nhân hay mang tính chế giễu. "Cha tôi hoạt đông trong thời mà Hollywood không sẵn sàng đầu tư cho các diễn viên Á đóng chính. Họ không muốn tạo những nhân vật Á đính thực".
Cô cho rằng Hollywood chưa từng đánh giá cao tài năng của cha. Trong The Green Hornet (1966), Lý Tiểu Long đeo mặt nạ và không có lời thoại. Ông đích thân viết thư xin nhà sản xuất cho nhân vật được nói trên hình. Diễn viên nhận cát-xê 400 USD, thấp hơn các đồng nghiệp Williams và Wende Wagner lần lượt nhận 2.000 USD và 850 USD.
Lý Tiểu Long tự viết kịch bản cho series phim về một nhà sư giỏi võ thuật, nhưng các nhà sản xuất từ chối vì cho rằng giọng nói người Trung Quốc khó nghe với khán giả. Năm 1972, ông cũng thua tài tử David Carradine trong cuộc tuyển chọn vai người châu Á cho series Kung Fu.
Shannon cũng bàn về triết lý võ thuật của Lý Tiểu Long, cho biết ông xem đó là cách kết nối con người từ nhiều sắc tộc. Năm 1960, ông mở trường võ Jun Fan Gung Fu Institute. Học viên không giới hạn tuổi tác, quốc tịch như đạo diễn gốc Ba Lan Roman Polanski, vận động viên bóng rổ gốc Phi Kareem Abdul-Jabbar, võ sĩ gốc Philippines Dan Inosanto hay các tài tử da trắng James Coburn, Steve Mc-Queen.
Lý Tiểu Long luôn tìm kiếm các nhân vật chính nghĩa, vì tâm niệm đang đại diện dân tộc trên màn ảnh. "Ông ấy không tin việc dùng bạo lực đáp trả bạo lực. Các nhân vật của ông luôn cần một lý do để đứng lên chiến đấu. Đôi khi, ông để nhân vật lảng tránh các cuộc đụng độ không cần thiết. Đó cũng là tính cách thật ngoài đời của cha", Shannon nói.
Thập niên 1970, Lý Tiểu Long thành công tại Hong Kong. Ông được mời về nước đóng nhiều dự án lớn nhờ từng có phim tại Hollywood. Theo Shannon, Lý Tiểu Long không thích sự hư ảo trong phim võ thuật tại quê nhà. "Cha cố gắng thể hiện sự chân thật trong các cảnh hành động. Ông ấy ghét phim võ thuật có nhân vật khinh công hay có sức mạnh siêu nhiên. Ông ấy cũng không thích những cảnh múa võ được biên đạo kéo dài cả chục phút, các nhân vật dính đón mà không ngã quỵ". Lý Tiểu Long quyết định mở công ty Concord Productions và phát hành The Big Boss (1971), Fist of Fury (1972), The Way of the Dragon (1972)...
Nhà sản xuất Andre Morgan (The Way of the Dragon) nhận xét Lý Tiểu Long tạo sự đồng cảm với khán giả tại quê nhà: "Nó như lời khẳng định của người dân rằng những ngày họ bị phương Tây đô hộ đã chấm dứt". Huyền thoại bóng rổ Kareem Abdul-Jabbar - bạn diễn và học trò của Lý Tiểu Long - nghĩ ông xứng đáng với danh hiệu "anh hùng dân tộc", vì truyền tải khát vọng được sống tự do, độc lập tới khán giả quê nhà.
Shannon Lee sinh năm 1969, là con gái Lý Tiểu Long và Linda Lee Cadwell. Cô tập Triệt quyền đạo - môn võ do cha mình sáng tạo - và đóng một số phim võ thuật. Shannon hiện làm nhà sản xuất phim. Cô cũng là chủ tịch Bruce Lee Foundation - tổ chức giới thiệu tư tưởng, triết lý của cố huyền thoại võ thuật. Con trai tài tử - Brandon Lee - qua đời năm 1993 khi đang quay The Crow.
Đạt Phan (theo Tatler)