Sách Con đường chuyển hóa tập hợp 50 bài giảng của nhà sư Thích Pháp Hòa về cách chuyển hóa niềm đau thành sự an vui. Ấn phẩm hệ thống các giáo lý quan trọng của đạo Phật và các pháp môn tu tập qua cách kể chuyện bình dân, gần gũi. Dịp này, VnExpress đăng một số trích đoạn.
Chỉ có tình thương và lòng tha thứ mới làm tiêu tan được hận thù
Câu thứ năm trong kinh Pháp Cú như sau:
"Hận thù diệt hận thù
Đời này không thể có.
Từ bi diệt hận thù
Là định luật thiên thu."
Đức Phật dạy bài kệ này sau khi nghe và giúp hóa giải câu chuyện ân oán từ tiền kiếp của một gia đình. Trong một gia đình nọ, người chồng có hai vợ. Người vợ đầu không thể sinh con, còn người vợ thứ hai thì sinh được con. Nhưng quý vị cũng biết đó, tâm tánh của người nữ thường khó từ bi hay bao dung trong những chuyện này lắm. Người vợ lớn tìm mọi cách hãm hại người vợ kế.
Cứ mỗi lần bà này có thai là bà vợ lớn bỏ thuốc vào thức ăn hay tìm mọi cách để bà vợ nhỏ hư thai, nhiều lần như vậy. Sau khi chết, bà vợ lớn tái sinh thành nhiều loài khác nhau, như mèo, chó để quay lại gia đình đó hòng báo những cái oán mà bà vẫn giữ trong lòng. Cuối cùng, bà bị đọa làm quỷ dạ xoa. Như quý vị cũng biết, quỷ dạ xoa chỉ ăn thịt người thôi. Sau khi bà vợ lớn chết, bà vợ nhỏ cũng sinh được vài người con. Một lần nọ, bà vợ nhỏ nằm mơ thấy một con quỷ định tới để ăn đứa con của mình. Hoảng quá, bà ẵm đứa con nhỏ chạy thẳng đến tịnh xá của đức Phật. Mặc dù đức Phật đang thuyết pháp, bà vẫn đi thẳng vào. Bà đặt đứa nhỏ xuống trước mặt Phật và nói: "Con xin cúng dường con của con cho ngài". Đức Phật hỏi duyên do và bà nói: "Có một con quỷ dạ xoa đang rình rập ở bên ngoài để ăn con của con".
Đức Phật bảo ngài A Nan đi ra ngoài để mời con quỷ đó vào. Và đức Phật giảng cho bà và con quỷ nghe về sự hận thù. Phật nói lòng hận thù cũng giống như mình lấy nước dơ đem rửa chỗ dơ. Ví dụ, cái bàn này dơ, nhưng mình không đi lấy nước sạch để rửa, mà sẵn có nước bọt, mình phun vào chỗ dơ rồi chùi, như vậy nó có sạch không? Bất cứ chỗ nào dơ mà chúng ta dùng nước dơ để rửa thì không có cách nào sạch được. Chỉ nước sạch mới có thể rửa sạch chỗ dơ. Cũng như vậy, dùng hận thù để rửa hận thù thì không thể gột sạch được hận thù, lấy cái giận diệt cái giận thì cái giận vẫn còn nguyên, lấy cái thù xóa bỏ cái thù thì không sao xóa được. Chỉ có tình thương và lòng tha thứ mới làm tiêu tan được hận thù.
Cho nên sự nóng giận nguy hiểm vô cùng. Đại chúng để ý sẽ thấy trong cuộc sống này, người nóng giận có bao giờ làm nên việc gì đâu, toàn làm hư sự, phải không? Đức Phật đưa ra một ví dụ về con ễnh ương. Mỗi khi con ễnh ương phùng cái bụng lên, nó làm gì? Nó kêu phải không? Con người nghe tiếng nó kêu từ đâu để tới bắt nó ở đó. Con nhái cũng vậy, khi kêu, nó phùng cái bụng lên, và con dơi biết được nó ở đâu để tới ăn nó.
Đức Phật dạy rằng người nóng giận cũng "phùng mang trợn má" như con ễnh ương, con nhái vậy đó. Con người mình khi nóng giận thường biểu lộ hình tướng nóng giận lên, như trợn mắt, tức tối, cho nên người Việt mình thường gọi là "phùng mang trợn má". Vì mình hiện cái tướng giận tức lên nên ác ma biết, nó xâm nhập, chiếm hữu mình. Ác ma này là gì? Là những hành vi của nghiệp lực, do tức giận mà thành.
Hiếm khi con người tức giận mà lại ngồi yên, hễ tức giận lên là phải biểu lộ, bằng ánh mắt, lời nói, hành động. Nhiều người hễ tức giận là đập phá đồ, đập phá xong thì tự mình đi dọn rồi sau đó cũng phải bỏ tiền ra mua lại. Được vài ngày, họ lại tức giận, lại đập phá đồ. Có người hễ tức giận là hất mâm cơm xuống đất, có người đập phá tượng Phật, bàn thờ, nhưng sau đó ăn năn, hối hận đủ kiểu hết.
Cho nên sân hận là thứ nguy hiểm vô cùng, được đức Phật liệt vào danh sách những tâm bất thiện. Sân có nghĩa là nổi nóng, "sân" rồi mới "hận". Ví dụ, mình nổi nóng, mình tức giận lên, rồi mình để sự tức giận đó trong lòng. Cái gì giữ trong lòng lâu ngày cũng sinh ra hận, và hận lâu ngày không tiêu tan sẽ thành ra oán kết. Cho nên nóng giận rất nguy hiểm.
Trong kinh, đức Phật dạy có ba dạng người giận: Có người giận như viết chữ trên cát, có người giận như viết chữ trên nước, có người giận như viết chữ trên đá. Thế nào là người giận như viết chữ trên cát? Quý vị để ý xem, ở bãi biển, khi nước biển tràn vào và trôi đi rồi thì mặt cát rất mịn. Mình dùng ngón tay viết chữ lên cát, nhưng chỉ một lát sau, khi nước biển tràn vô và trôi đi thì những chữ đó cũng không còn. Những người thuộc dạng nóng giận này sẽ mau nguội, giống như viết chữ trên cát. Cũng tức giận, nhưng họ không để bụng lâu. Còn có những người giận như viết chữ trên nước. Thưa đại chúng, chữ viết trên nước có tồn tại lâu không? Không. Những người thuộc dạng này cũng giận, nhưng không để bụng.
Như vậy, những người giận như viết chữ trên cát hay viết chữ trên nước đều không để bụng lâu, có thể chừng một buổi thôi, sáng giận chiều hết. Tuy nhiên, có những người giận như viết chữ trên đá. Thưa đại chúng, chữ khắc trên đá thì chừng nào mới mất? Những người thuộc dạng này khi giận xong, bao nhiêu cái tức giận, họ để hết trong lòng. Một người sống mà giận hờn, tức tối hoài thì sao đẹp nổi? Trong hiện đời, gương mặt của họ đã không đẹp rồi, và có khả năng họ sẽ chết trong đau khổ, đọa lạc vào những nơi đau khổ. Bởi vì chúng ta sống thế nào thì nhận được nghiệp tương ứng.
Phần 1,phần 2, phần 3, hết trích đăng.
(Trích sách Con đường chuyển hóa, First News)