Sách Con đường chuyển hóa tập hợp 50 bài giảng của nhà sư Thích Pháp Hòa về cách chuyển hóa niềm đau thành sự an vui. Ấn phẩm hệ thống các giáo lý quan trọng của đạo Phật và các pháp môn tu tập qua cách kể chuyện bình dân, gần gũi. Dịp này, VnExpress đăng một số trích đoạn.
Bài học từ tỳ kheo Ba-đi-da: Sự bình thản
Thưa đại chúng, vào thời đức Phật, có một vị tỳ kheo tên là Ba-đi-da. Theo như miêu tả trong kinh, ngài Ba-đi-da nhỏ con, nói theo cách nói thông thường là "lùn", và mặt mày xấu xí. Cho nên khi ngài vào tu, ngài thường bị các thầy đàm tiếu. Mặc dù là người tu hành, các vị cũng hiểu là không được khen chê người khác, nhưng tâm phàm phu của chúng sinh thì làm sao thoát. Do đó, lâu lâu các thầy cũng chê thầy Ba-đi-da, hoặc nói những câu nửa đùa, nửa thật. Dần dần, các thầy trong chùa không gọi ngài bằng tên Ba-đi-da nữa, mà toàn gọi là "ông lùn". Vậy mà ngài Ba-đi-da vẫn bình thản. Ngài không buồn khổ với những lời khen chê đó.
Một hôm, khi ngồi lại với nhau, các thầy thắc mắc: "Trời, ổng sống chung với mình, đôi lúc bị mình chê thậm tệ mà sao ổng vẫn bình thản?". Lúc đó, Phật vừa đi tới. Phật hỏi: "Các thầy đang bàn chuyện gì?". Các thầy thưa: "Dạ, tụi con đang bàn về thầy Ba-đi-da. Đôi khi tụi con gọi thầy ấy là 'ông lùn'. Tụi con cũng thấy lỗi của mình, nhưng tâm phàm thì đâu thể tránh. Sống chung với thầy ấy, nhiều khi giận quá, tụi con cũng có gọi thầy Ba-đi-da bằng tên đó, và cũng có lúc nói chơi. Tuy nhiên, dù tụi con nói thật hay nói chơi, tụi con cũng không thấy sắc diện của thầy ấy thay đổi chút nào, kể cả khi thầy ấy bị chê thậm tệ. Thường thì khi người ta khen mình, mình vui, khi người ta chê mình, mình buồn, nhưng sao thầy Ba-đi-da không tỏ thái độ gì hết. Tụi con thấy thầy ấy rất bình thản". Phật nói: "Vì thầy ấy là người tu tập vững chãi nên hiểu được đạo lý".
Ngay lúc ấy, Phật nói một bài kệ để chỉ ra chỗ thâm sâu mà thầy Ba-đi-da đã đạt được. Bài kệ đó đã trở thành câu kinh Pháp Cú thứ 81 trong phẩm Hiền Trí:
"Như hòn đá kiên cố,
Không gió nào lay động,
Người trí cũng như thế,
Không động giữa khen chê"
Còn đây là bản dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu:
"Như tảng đá kiên cố,
Không gió nào lay động,
Cũng vậy, giữa khen chê,
Người trí không dao động"
Khen và chê là hai trong tám ngọn gió (bát phong) mà Đức Phật dạy trong kinh. Tám ngọn gió đó là được và mất, khen và chê, tốt và xấu, khổ và vui. Thưa đại chúng, mỗi ngày mình bị ít nhất một ngọn gió thổi qua. Ví dụ, mình làm mọi việc với tâm bình thường, không tìm kiếm sự khen chê, nhưng nếu ai đó tới khen mình một câu, tự nhiên mình cũng thấy phấn khởi hơn một chút, tự nhiên mình cũng chú ý hơn tới tác phẩm của mình. Trước khi được khen, mình làm mà không nghĩ gì hết, còn bây giờ hễ có người quan tâm là mình bắt đầu hỏi: "Sao? Đẹp không?". Nếu họ chê một câu, mình sẽ hơi buồn, nhưng buồn thầm, để trong bụng thôi. Đôi khi mình có ý bào chữa: "Chưa xong, còn sửa nữa mà". Hoặc trước đó mình không nhận ra chỗ chưa hoàn thiện của việc mình làm, nhưng khi người kia chỉ ra cho mình, mình nói: "Ờ, tôi cũng định làm vậy".
Thật ra, tất cả cái đó không có tội lỗi gì cả, nhưng Đức Phật nói bài kệ trên để làm gì? Để chúng ta có cơ hội nhìn lại. Mỗi ngày chúng ta nhìn lại coi mình có dễ bị lay động, có dễ bị di chuyển không. Nếu muốn biết mình có dễ bị "chuyển" không, hãy thử "di" mình trước, phải không? Ví dụ, nếu muốn chuyển tảng đá kia đến góc đó, chúng ta làm gì? Trước hết, chúng ta lay nó, rồi thử di, dời nó một chút xem sao. Nhiều khi ai đó thử mình, nói vài câu để xem mình có nổi nóng không. "Rồi, tôi biết rồi, anh này hay nổi nóng. Bữa nào muốn chọc anh này, tôi chỉ cần nói vài câu là sẽ thấy nguyên lò lửa". Đôi khi họ cũng không có ý thử mình, nhưng vừa "nhá" là mình đã đáp lại. Cho nên nếu mình giống như một "tảng đá kiên cố", sẽ không ngọn gió nào lay động được.
Người trí cũng vậy. Thế nào là người trí? Người trí là người có tư duy, có hiểu biết, biết rằng khen chê là chuyện thường tình của thế gian. Người xưa có câu "Thị phi chung nhật hữu, bất thính tự nhiên vô", có nghĩa là "Chuyện khen chê trong đời này ngày nào cũng có, nếu mình không nghe, tự nhiên nó sẽ thành ra bình thường". Chữ "tự nhiên vô" ở đây có nghĩa là tự nhiên trở nên vô nghĩa đối với mình. Chỉ vì mình bận tâm đến chuyện đó quá nên khổ. Cái này đòi hỏi một sự thực tập, và đây không phải là lý thuyết, mà là một điều hiển nhiên trong cuộc sống: nếu chúng ta muốn cuộc sống của mình bình thường, tâm mình bình an, thì đừng để những cái bất thường lay động mình.
Nhiều khi người ta bình thường, còn mình lại bất thường. Nhưng cho dù người ta bất thường, mình vẫn hãy cứ bình thường. Chính vì trạng thái bình thường mình không có, nên mình bị lung lay. Có một ông quan, ông thường tuyên bố với mọi người: "Tôi tu tập nên bây giờ vững chãi lắm. Những ngọn gió khen -chê, được - mất, thắng - thua, vui - buồn đều không làm lay động được tôi". Biết được chuyện đó, một vị hòa thượng viết cho ông quan này một lá thư, chê ổng thậm tệ. Đọc lá thư đó xong, ông quan này lập tức đi qua bên kia sông, tìm vị hòa thượng đã viết cho ổng lá thư đó. Ổng định sẽ hỏi cho ra lẽ tại sao vị hòa thượng đó lại viết cho mình những lời lẽ thiếu tôn kính như vậy.
Vừa gặp ông quan, vị hòa thượng lên tiếng hỏi: "Chẳng hay ngọn gió nào đưa đại quan tới đây?". Ông quan giật mình, nói: "Không có ngọn gió nào thổi được tôi". Nghe vậy, vị hòa thượng mới nói: "Lời nói và cả cách sống của ông đều giống như một cú đánh rắm vậy". Vị hòa thượng chào hỏi như vậy là để khai thị cho ông quan. Đó là kiểu chào thông thường của người Việt mình: "Ủa, ngọn gió nào đưa anh qua đây vậy?". Còn ông quan giật mình vì ổng đã tuyên bố "Không ngọn gió nào lay động được tôi". Vậy mà vừa mới bị chê một câu, ổng đã lập tức tìm tới hòa thượng để hỏi rồi. Các vị hồi xưa hay thử mình kiểu đó.
Giống như trong một câu chuyện khác: Có một cư sĩ vô chùa để xin tu, vị hòa thượng trong chùa nói với người cư sĩ: "Đạo hữu còn nhiều việc vướng bận, tâm chưa vững, chưa tu được đâu". Người cư sĩ thưa: "Hòa thượng đừng lo, bây giờ tâm con vững lắm. Vợ con của con và mọi việc trong gia đình, con sắp xếp xong cả rồi". Hòa thượng nói: "Được rồi, nhưng ông cứ thư thả đã". Ngày nào cũng vậy, năm giờ sáng, người cư sĩ đó đã có mặt ở chùa cho giờ công phu sáng. Vừa thấy ông, hòa thượng hỏi: "Đi sớm vậy không sợ bà vợ ở nhà sanh tâm hả?". Nghe vậy, ổng lật đật quay về liền. Hòa thượng mới thử ổng thôi đó.
Nhiều khi mình nói mình đã tu vững, nhưng thật ra mình chưa đạt tới cảnh giới đó. Do đó, nếu mình tự thấy bản thân chưa vững chãi thì hãy cứ nương theo những phương tiện bình thường, như niệm Phật, tụng kinh. Nhiều người nói: "Như tôi nè, đâu cần tụng kinh, đâu cần niệm Phật đâu". Khi nào tâm mình hoàn toàn bình an, hoàn toàn vững chắc, mình mới có thể nói mình không cần tu. Vì khi đó, lúc nào tâm mình cũng an trụ. Thật ra, một người thật sự "không cần tu" là người đã tu vững đến mức độ họ không cần phải mượn hình tướng, phương tiện nữa. Còn mình thì chưa, nên mình vẫn cần. Đó là những phương tiện để giữ mình thôi chứ có gì đâu.
(Trích sách Con đường chuyển hóa, First News)