Sách Con đường chuyển hóa tập hợp 50 bài giảng của nhà sư Thích Pháp Hòa về cách chuyển hóa niềm đau thành sự an vui. Ấn phẩm hệ thống các giáo lý quan trọng của đạo Phật và các pháp môn tu tập qua cách kể chuyện bình dân, gần gũi. Dịp này, VnExpress đăng một số trích đoạn.
Tùy duyên và tùy hỉ
Trong cuộc sống hàng ngày, dù là Phật tử hay không phải là Phật tử, chúng ta đều hay nói đến "duyên", hoặc chúng ta chỉ nói ngắn gọn hai chữ "tùy duyên". Khi có vấn đề xảy ra, chúng ta nói: "Thôi tùy duyên đi". Ví dụ, mình đến chơi nhà một người bạn và mình đoán gia chủ sẽ đãi mình một bữa thịnh soạn. Nhưng khi đến nơi, thấy mọi chuyện không như mình trông đợi, mình liền nói: "Thôi tùy duyên, có gì ăn nấy".
Chúng ta tùy duyên, nhưng chúng ta phải có tâm tùy hỉ thì sự tùy duyên đó mới nhẹ nhàng cho mình và thoải mái cho người đối diện. Trên thực tế, đôi khi chúng ta nói "tùy duyên" mà có ý khó chịu, nói cho qua chuyện: "Thôi thôi, sao cũng được, tùy duyên đi". Như vậy là mình thiếu phần tùy hỉ, làm người khác không thoải mái theo.
Vậy "tùy hỉ" là gì? "Hỉ" trong nhà Phật là vui theo cái vui của người khác, nhẹ nhàng theo mọi việc. Cho nên sự tùy hỉ của mình khiến cho người khác cũng nhẹ nhàng, hoan hỉ theo. Ví dụ, một người nào đó làm một việc lành, thì thay vì bực bội, ganh tị vì không làm được như họ, mình tùy hỉ theo việc họ làm. Vì họ đã phát tâm nên có cơ hội làm việc đó tùy tâm, tức là tùy theo cái tâm của họ. Vì vậy mà nhà chùa để thùng phước sương thay vì cầm cái rổ đưa đến từng người, để tránh việc so sánh hơn thua trong bố thí cúng dường. Cô này bỏ vô năm đồng, cô kia cũng phải bỏ vô ít nhất năm đồng, hoặc muốn hơn thì bỏ vô mười đồng. Và trên thùng phước sương, nhà chùa hay để chữ "Tùy hỉ cúng dường", nghĩa là cúng dường tùy hỉ và tùy tâm. Tâm họ đã sẵn có nên đụng duyên thì tùy duyên mà phát tâm cúng dường. Nếu mình không chuẩn bị từ trước và thấy ai đó phát tâm, mình nói: "Thôi, tôi không có, tôi tùy hỉ".
Như vậy, chúng ta có tùy tâm, tùy hỉ, và tùy duyên, phải không? Tùy duyên là tùy theo những điều kiện. Ví dụ, mình muốn uống nước nóng, nhưng ở chỗ đó người ta không có nước nóng, nên mình tùy duyên uống nước nguội. Nhưng khi tùy duyên, mình có tùy hỉ không? Mình có phát tâm, có vui với duyên đó không? Nếu mình phát tâm, mình vui được như vậy thì ngay giây phút mình uống một hớp nước nguội (không phải là nước nóng như mình mong đợi) với tâm trạng thoải mái, thì người ta cũng cảm thấy nhẹ nhàng.
Người ta không phải cảm thấy khó chịu vì đã không thể đáp ứng mong muốn của mình. Cho nên trong cuộc sống, để mình và người khác đều cảm thấy nhẹ nhàng, chúng ta nên tùy hỉ để mọi việc tùy duyên. Nghĩa là mình vui với tất cả duyên, vì duyên nào cũng là duyên tốt. Ví dụ, mình muốn ăn bún, nhưng hiện giờ không có bún, chỉ có bánh mì. Giữa việc ăn bánh mì và không có gì ăn thì cái nào hơn? Có bánh mì vẫn hơn phải không? Vậy thì tại sao mình lại không tùy hỉ với các duyên để các duyên được vui vẻ?
Và mình sống như vậy cũng sẽ thành thói quen. Hồi nãy có một anh Phật tử đến hỏi nhỏ Pháp Hòa: "Sao con ít khi nào thấy thầy nhíu mày hay bĩu môi?". Thường thường trong cuộc sống, hễ bực hay không bằng lòng chuyện gì là mình nhíu mày lại, hay mình biểu lộ ra qua một sắc tướng nào đó. Pháp Hòa mới nói với anh Phật tử đó: "Tại vì mỗi ngày mình gặp bao nhiêu là duyên, bao nhiêu là cảnh, không thể tránh được. Không lẽ gặp duyên nào, cảnh nào, mình cũng nhăn mày và bĩu môi. Lâu ngày môi mình thành môi trề và mặt mình bị nhăn chỗ này trước".
Cho nên mình nhớ: Bất cứ giây phút nào trong cuộc sống, mình cũng có thể phải đối diện với một duyên. Ví dụ như ngay lúc này, quý vị không ngờ mình phải ngồi dưới đất, phải không? Nhưng mà ngồi dưới đất ở một chỗ thoáng rộng, thoải mái như vậy so với việc ngồi dưới đất ở một chỗ chật cứng hoặc không có chỗ ngồi thì cái nào hơn? Không gian như vậy vẫn thoáng mát hơn những chỗ bít bùng, không thông thoáng, cho mình cảm giác ngột ngạt và khó chịu, phải không? Nếu để ý, quý vị sẽ thấy mỗi ngày mình đều gặp những duyên, những cảnh mà mình không bao giờ ngờ tới; cái đó gọi là cảnh duyên, tức là duyên của cảnh. Đối với những cảnh duyên như vậy thì bây giờ mình phải chuẩn bị tâm gì? Tâm tùy duyên, tức là tùy bất cứ cảnh nào. Trước cảnh nào, duyên nào, mình cũng nhẹ nhàng được hết.
Ví dụ, mình đem laptop theo để làm việc, ai ngờ nhiều người dùng chung wifi quá, nó yếu xìu nên rốt cuộc mình không vô internet được. Thật đúng lúc, thôi thì bây giờ thay vì làm việc, mình yên lòng đóng cái laptop lại để tận hưởng. Đâu phải tại mình làm biếng đâu, mà tại vì wifi không có, chứ nếu có wifi thì mình sẽ cảm thấy hơi khó chịu nếu không mở laptop để làm việc. Cuộc sống có những cái duyên mà mình phải đối diện như vậy.
Cho nên trong kinh Tứ Thập Nhị Chương (kinh Bốn Mươi Hai Chương) có một chương đức Phật dạy hai mươi cái khó mà người đời thường phải đối diện. Một trong những cái khó đó là đối cảnh không sanh tâm, mà mình thường nghe là "đối cảnh vô tâm". Nhưng mình đừng hiểu lầm "vô tâm" là thờ ơ, mặc kệ hay bất cần. "Đối cảnh vô tâm" là trước cảnh nào mình cũng thuận theo mà không dính mắc, không khổ đau. Quan trọng là mình biết thuận theo cảnh, nghĩa là đối cảnh mà tâm mình không động, và "tâm bình thì cảnh sẽ bình". Đôi khi cảnh không như ý mình, nhưng mình uyển chuyển tâm mình để thuận theo cảnh. Và tâm thuận theo cảnh thì tâm sẽ yên. Nếu được như vậy thì dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng nhẹ nhàng và không đến mức phải khổ. Bất quá chúng ta chỉ buồn trong một lúc, buồn mà không khổ, hoặc đau buồn mà không bi lụy. Vì mình biết cảnh nào rồi cũng sẽ qua, duyên gì cũng sẽ thay đổi, kể cả duyên vợ chồng.
Có những người trẻ khi mới gặp và yêu nhau, tình cảm quyến luyến lắm, nhưng chỉ khoảng một tháng sau, mối quan hệ bắt đầu hơi nhạt. "Mình nhận ra hình như mình và người đó không hợp, không có điểm tương đồng." Bây giờ người đó gọi điện thoại, mình ít khi nghe máy, người đó hẹn, mình ít khi nhận lời. Rồi từ từ mình nói với người đó: "Hình như mình không hợp". Làm như vậy để làm gì? Để giảm duyên.
Trong việc tu cũng vậy. Mỗi ngày có rất nhiều duyên đến với mình, hay thậm chí duyên chưa đến mình còn tạo thêm. Cho nên vừa rồi có một vị hỏi: "Làm sao mình bớt được cái tâm chao đảo, tâm chạy theo?". Giảm duyên. Ví dụ, nếu muốn yên tịnh, mình phải giảm những cái duyên ồn náo. Nếu không muốn khơi dậy những cảm xúc đau thương trong lòng, mình nên bớt nghe nhạc tình, nhất là những bài bi thương. "Ngày nhà em pháo nổ, tôi cuộn mình trong chăn"... mình phải giảm những duyên này đi. Khi mình nghe mấy cái đó, nó gợi lại nỗi đau, giống như khi mình chạm vào vết thương chưa lành hẳn. Tức là cái duyên - bản nhạc đã khơi lại vết thương trong lòng mình.
Như vậy, duyên có nghĩa là điều kiện, và trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta gặp rất nhiều điều kiện, rất nhiều duyên. Quan trọng là tâm của chúng ta phải vững để "đối" với các duyên mà không động. Nếu vậy, tâm chúng ta phải tùy hỉ, có tùy hỉ thì mới nhẹ nhàng được với những duyên đó.
Quý vị thường nói "tùy duyên", nhưng mình đừng tùy tiện nói chữ đó nếu lòng mình chưa thọ, chưa nhẹ nhàng được. Mình phải có tâm tùy hỉ để sống với các duyên thì mới nhẹ nhàng được. Nhẹ nhàng trước hết là cho mình. Mình được nhẹ nhàng thì mình được thoải mái và bình yên, còn nếu không thì mình cứ nói chữ "tùy duyên" nhưng lòng mình không thoải mái: "Thôi thôi thôi được rồi, tùy duyên đi". Cách mình nói, âm điệu của mình cũng làm cho người khác khó chịu, vì người ta biết mình đang bất bình và mình chỉ nói "tùy duyên" cho xong chuyện.
Phần 1, còn tiếp
(Trích sách Con đường chuyển hóa, First News)