Trả lời:
Cơn đau quặn thận mà bạn hay gặp phải là một biểu hiện của bệnh sỏi thận. Khi cơ thể di chuyển, lay động (chẳng hạn như lúc ngồi trong ôtô, tàu hỏa, trên xe máy), các viên sỏi di chuyển xuống làm tắc niệu quản. Nước tiểu bị dồn ứ lại, gây cơn đau quặn thận. Đau bắt đầu từ vùng thận, lan xuống bụng dưới, bất kể bệnh nhân đang ở tư thế nào. Người bệnh luôn buồn tiểu nhưng khi đi thì không ra nước tiểu, có thể buồn nôn hoặc nôn. Nếu cơn đau có kèm theo sốt, chứng tỏ nước tiểu đã bị nhiễm khuẩn.
Khi có cơn đau quặn thận, bạn phải hạn chế uống nước để không làm tăng thêm áp lực nước tiểu lên viên sỏi, giảm nhẹ cơn đau. Cần đến bác sĩ. Bạn sẽ được cho dùng thuốc giảm đau, thuốc chống co thắt, chống viêm và cả kháng sinh khi cần.
Nếu viên sỏi còn bé, nó có thể tự thoát ra được. Nếu không, thầy thuốc sẽ phải can thiệp. Nhiều bệnh viện đã áp dụng phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể: Dùng sóng xung kích bắn vào viên sỏi dưới sự hướng dẫn của siêu âm. Viên sỏi bị vỡ thành các mảnh nhỏ, thoát ra ngoài theo đường tự nhiên. Cũng có thể đưa một ống nội soi vào niệu quản, tiếp cận viên sỏi để nghiền hoặc tán nhỏ sỏi.
BS Trần Trí, Sức Khỏe & Đời Sống