Trả lời:
Con chị có cân nặng như trên là tốt, nhưng có những dấu hiệu mắc bệnh còi xương ở giai đoạn đầu. Chúng tôi xin nêu một vài dấu hiệu chính để chị theo dõi:
Các biểu hiện ở hệ thần kinh: Thường xuất hiện sớm với các triệu chứng như: ngủ không yên giấc, dễ bị kích thích hay giật mình, vã nhiều mồ hôi lúc ngủ và khi bú, nếu nặng có thể bị co giật do hạ canxi trong máu (tétani), hay khóc về đêm...
Các biểu hiện về xương: Thường xuất hiện muộn hơn, ở đầu thóp rộng, bờ thóp mềm... có bướu đỉnh, bướu trán, răng mọc chậm. Khi trẻ 8-9 tháng tuổi, lúc trẻ tập đi làm biến dạng xương chân, cẳng chân, chân vòng kiềng hoặc chân chữ bát (do xương mềm) hoặc làm biến dạng lồng ngực (ngực u gà). Trường hợp còi xương nặng có thể làm xương dễ gãy, hoặc làm cột sống bị gù vẹo, nếu không được điều trị kịp thời sẽ để lại những di chứng sau này. Ngoài ra, bệnh còi xương còn ảnh hưởng đến toàn thân như trẻ chậm phát triển vận động, thiếu máu và dễ bị mắc các bệnh về hô hấp...
Nguyên nhân chính của bệnh còi xương là do thiếu vitamin D - một vitamin quan trọng đối với sự phát triển xương của trẻ, là loại vitamin tan trong dầu, mỡ. Nó đóng vai trò hấp thu, chuyển hóa canxi và photpho trong cơ thể, đồng thời là một chất rất cần thiết cho sự phát triển xương mà cơ thể không tự tạo ra được.
Tác dụng chính của vitamin D là phòng và điều trị các bệnh còi xương cho trẻ em. Nên cho trẻ uống vitamin D theo đúng chỉ định của thầy thuốc vì nếu dùng quá liều sẽ sinh ngộ độc vitamin.
BS Trần Thị Nga, Sức Khỏe & Đời Sống