Trường trung học này có bảy em sinh sống tại khu nhà bị cháy. Sáu học sinh đã mất. Lọt thỏm giữa những dòng chữ mất mát trong báo cáo, có duy nhất một dòng "con đã được cứu sống". Cảm xúc "được an ủi" của tôi nhanh chóng bị chìm xuống bởi dòng ghi chú khác "bố, mẹ và em trai mất". Tôi tự hỏi, con sẽ sống như thế nào trong những năm tiếp theo của cuộc đời sau khi bỗng chốc mất cả gia đình, vào độ tuổi chông chênh nhất ấy.
Con số 56 người thiệt mạng, đã nói lên tất cả sự thảm khốc của vụ cháy. Trong số 29 nạn nhân trẻ em, có 10 em tử vong, theo thống kê của Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội tới 17h ngày 13/9. Sau thảm kịch, một vài cá nhân sẽ phải trả giá, chịu sự trừng phạt của pháp luật; sự khiển trách, kỷ luật của tổ chức. Rồi mọi việc có thể lại đâu vào đấy. Nhưng 56 người đã thiệt thân. Người sống sót, đặc biệt là các em nhỏ, sẽ mang nỗi đau tinh thần này mãi mãi, sẽ bị bẻ ngoặt cuộc đời sang một hướng hoàn toàn khác.
Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), trẻ em đang phát triển nên dễ bị tổn thương hơn người lớn trước các vấn đề liên quan nghèo đói, chăm sóc sức khỏe - dinh dưỡng - nước sạch - nhà ở không phù hợp và ô nhiễm môi trường. Trẻ em sau thảm họa, đặc biệt trẻ mồ côi cả cha và mẹ, là những người chịu sự tổn thương đặc biệt nghiêm trọng.
Nhiều hành động quyên góp và tương trợ đã nhanh chóng được triển khai. Trường học có thể sẽ hỗ trợ, đùm bọc em học sinh may mắn được cứu sống vượt qua thời khắc khó khăn này. Về mặt tài chính, những quyên góp của xã hội có thể đủ cho em xoay xở trong một thời gian không quá dài (4-5 năm) tới khi đủ tuổi trưởng thành. Tuy vậy, việc chăm sóc sức khỏe thể chất, tinh thần - cho không chỉ những đứa trẻ mồ côi, mà với tất cả những em bị ảnh hưởng bởi vụ cháy - mới thực sự là điều đáng lo ngại.
Tại Pháp, luật dân sự quy định về trách nhiệm của người giám hộ, nếu được Hội đồng Thẩm phán chỉ định, hoặc của Bộ phận An sinh Xã hội của chính quyền địa phương, trong trường hợp quyền giám hộ bị bỏ trống. Trách nhiệm của giám hộ liên quan tới mọi mặt chăm sóc trẻ em và dưới sự giám sát của Thẩm phán giám hộ. Về mặt luật định, phán quyết của Tòa án có giá trị độc lập và mang tính ràng buộc cao nhất. Do đó, dưới sự giám sát của Thẩm phán Tòa án, trẻ em được bảo vệ tối đa. Ngoài ra, trong trường hợp trẻ được xác định có những thương tật vĩnh viễn, về thể xác lẫn tinh thần và tùy theo mức độ, trẻ sẽ được hưởng những bảo vệ và quyền lợi của người khuyết tật trong mọi lĩnh vực - được điều chỉnh bởi luật dành cho người tàn tật từ năm 2005. Luật này được cụ thể hóa trong đời sống bằng các quy chuẩn trong xây dựng, trong các điều chỉnh về chính sách tài chính của các trường học hay doanh nghiệp.
Nạn nhân của các tai nạn cháy nổ cũng được đền bù thiệt hại về người và của bởi bảo hiểm - một thủ tục mang tính bắt buộc cho nhà ở hoặc nơi tổ chức các hoạt động có tụ tập người. Hoàn cảnh cá nhân của nạn nhân cũng sẽ tác động đến mức trợ cấp xã hội của nhà nước liên quan tới các khoản thuê nhà hoặc học phí.
Tại Việt Nam, bảo hiểm về cháy nổ không mang tính bắt buộc cho loại hình nhà ở hay nơi có hoạt động tụ tập người. Vấn đề tài chính khi xảy ra sự cố, vì vậy, trở thành một áp lực lớn trong cuộc sống cho nạn nhân và gia đình, bên cạnh nỗi đau thể xác và tinh thần. Ngoài ra, Luật Người khuyết tật số 51/2010/QH12 và Nghị định 20/2021/NĐ-CP, dù đã có những bước tiến bộ về chăm sóc người khiếm khuyết tại Việt Nam nhưng việc áp dụng trong các lĩnh vực chung của xã hội chưa được xác định rõ. Điều này sẽ khiến những trẻ em - nạn nhân của các thảm họa - gặp nhiều khó khăn như những người khuyết tật - nhưng có thể không được hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi.
Quá khứ thảm họa, dù với nguyên nhân nào và ai sẽ phải chịu trách nhiệm, cũng đã xảy ra. Với những thảm họa có nhiều trẻ em như trong vụ cháy này, một điều đáng quan tâm khác, là tương lai nào đang chờ đợi các em?
Võ Nhật Vinh