Trịnh Tất Kiên, cựu phó chủ tịch Trường đảng Trung ương Trung Quốc, không trực tiếp nhắc đến Mỹ trong bài phát biểu tại hội nghị do Viện Nghiên cứu Chiến lược Đổi mới và Phát triển Trung Quốc tổ chức ở Quảng Châu hôm 20/11, nhưng ông liên tục nhắc đến "quốc gia bá quyền" và ngụ ý rằng còn quá sớm để nhận định liệu căng thẳng Mỹ - Trung có dịu đi khi Biden nhậm chức hay không.
"Người Trung Quốc có câu 'hãy lắng nghe lời họ nói và xem điều họ làm', hãy chờ xem quốc gia bá quyền sẽ hành động như thế nào", ông Trịnh, cố vấn lâu năm cho chính phủ Trung Quốc về chính sách đối ngoại, nói.
Ông thêm rằng Trung Quốc sẽ chuẩn bị kế hoạch lâu dài cho cả hai viễn cảnh. "Tất nhiên, điều đó bao gồm cả việc xây dựng năng lực quân sự", ông nói.
Một cố vấn cấp cao khác của chính phủ Trung Quốc, cựu thị trưởng Trùng Khánh Hoàng Kỳ Phàm, nói rằng Trung Quốc nên có các động thái chủ động trong trường hợp Mỹ tái gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Donald Trump đã từ bỏ năm 2017.
Tháng 11/2017, các nước tham gia đã thống nhất tên mới cho hiệp định là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Hôm 20/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) rằng Bắc Kinh sẵn sàng tham gia CPTPP.
Ông Hoàng chỉ ra sự ủng hộ của Joe Biden đối với chủ nghĩa đa phương và nói rằng Trung Quốc nên chuẩn bị cho kịch bản ông sẽ khám phá các thỏa thuận thương mại khác có thể thách thức lợi ích của Trung Quốc. Cựu thị trưởng cũng kêu gọi chính quyền Biden chấm dứt cuộc chiến công nghệ với Trung Quốc, nói rằng nó có thể giúp phục hồi kinh tế toàn cầu sau Covid-19.
"Nếu chính quyền mới của Mỹ có thể thỏa hiệp với Trung Quốc và nối lại hợp tác công nghệ trên cơ sở đôi bên cùng có lợi thì các ngành công nghiệp mới có thể sẽ xuất hiện", Hoàng nói.
Trung Quốc đã bác bỏ các cáo buộc lặp đi lặp lại của Mỹ rằng họ đang đánh cắp hàng loạt công nghệ Mỹ, từ vaccine Covid-19 cho đến máy tính lượng tử và trợ cấp không công bằng cho các công ty công nghệ của mình. Trong khi đó, Washington cấm các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc như Huawei mua linh kiện Mỹ vì lý do an ninh quốc gia.
Ông Hoàng cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục nỗ lực để trở nên tự chủ trong lĩnh vực công nghệ cao và tự sản xuất các linh kiện mà nước này cần. Ông lập luận rằng điều này sẽ mang lại cho phần còn lại của thế giới nhiều lựa chọn hơn, thay vì phải dựa vào các quốc gia riêng lẻ có thể khai thác lợi thế công nghệ của họ.
Ông Trịnh không nêu tên Donald Trump trong bài phát biểu của mình nhưng chỉ trích những hành động cuối cùng của "chính trị gia sắp mãn nhiệm". Ông cáo buộc Trump đổ lỗi cho Trung Quốc về Covid-19 để "lấp liếm những tổn thất to lớn do thất bại của ông ta trong cách xử lý đại dịch" và cố gắng bảo vệ "lợi ích ích kỷ của mình trong cuộc bầu cử" bằng các chính sách như hỗ trợ cho Đài Loan. Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất và sẵn sàng dùng vũ lực nếu cần thiết.
Cố vấn chính phủ này cũng nói rằng Bắc Kinh nên thúc đẩy các mạng lưới hàng hải và đất liền mà họ đang phát triển trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Quan hệ Mỹ - Trung đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ với căng thẳng về một loạt vấn đề như công nghệ, vấn đề Biển Đông, Tân Cương, Đài Loan và Hong Kong. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng mô tả Trung Quốc là "mối đe dọa trung tâm của thời đại chúng ta". Trong khi đó, Bắc Kinh cáo buộc Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ.
Phương Vũ (Theo SCMP)