"Tôi không cho rằng chúng ta sẽ thấy nhiều thay đổi trong chính sách của Mỹ về Biển Đông sau khi Biden nhậm chức", Gregory Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Mỹ, nói tại hội thảo khoa học quốc tế Biển Đông do Việt Nam tổ chức ngày 16-17/11.
Joe Biden là cựu phó tổng thống dưới thời Obama, vì vậy các chính sách Biển Đông của chính quyền Obama có thể là chỉ dẫn cho phương hướng sắp tới của Biden.
Poling cho rằng chính quyền Obama đã xử lý tệ trong vụ đối đầu Trung Quốc - Philippines tại Bãi cạn Scarborough năm 2012 và đã không làm đủ khi Trung Quốc bắt đầu bồi đắp, cải tạo ồ ạt một số thực thể ở Biển Đông thành đảo nhân tạo từ năm 2014. Tuy nhiên, chính quyền Obama đã thực hiện nhiều nỗ lực gây sức ép quốc tế với Trung Quốc và đã ủng hộ vụ kiện của Philippines về yêu sách "đường lưỡi bò" Trung Quốc đơn phương đặt ra.
"Về vấn đề Biển Đông, chính quyền Obama không làm tốt như một số người nghĩ và cũng không tệ như nhiều người đánh giá", Poling nói. "Chính quyền Obama đã do dự chấp nhận rủi ro, nhưng đồng thời, cả thế giới đều chậm chạp trong việc nhận ra Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận rủi ro đến mức nào".
Theo ông, chính quyền Trump đã không có động thái nổi bật về Biển Đông trong ba năm qua nhưng đã hành động dồn dập trong 9 tháng gần đây. Hồi tháng 7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ra tuyên bố bác bỏ thẳng thừng yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông. Một tháng sau, Bộ Thương mại Mỹ đưa 24 doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc vào danh sách đen, hạn chế khả năng tiếp cận linh kiện Mỹ do họ đã hỗ trợ Bắc Kinh xây đảo nhân tạo. Các quan chức Mỹ cũng tăng cường nêu vấn đề Biển Đông tại các diễn đàn quốc tế và khu vực.
Poling đánh giá mặc dù phần lớn cách tiếp cận cứng rắn của chính quyền Trump được thực hiện trước thềm bầu cử tổng thống Mỹ, chúng được xây dựng bởi các chuyên gia chính sách trong bộ máy chính quyền đã thúc đẩy những nỗ lực như vậy trong nhiều năm.
Dù vậy, chuyên gia cho rằng nên có cách tiếp cận mới về Biển Đông. "Nếu có thể kết hợp giữa những nỗ lực không quá mạnh mẽ nhưng xuyên suốt của chính quyền Obama với thái độ sẵn sàng chọc giận Trung Quốc của chính quyền Trump, chúng ta có thể có một chính sách Biển Đông thành công", ông nói.
"Chính quyền Biden có thể thực sự làm được điều đó, do toàn bộ phe Dân chủ ở Washington hiện giờ mang quan điểm 'diều hầu'. Hơn nữa, rõ ràng là đội ngũ của Biden đang dành nhiều thời gian suy tính về vấn đề Biển Đông hơn đội ngũ của Trump đã làm trong ngày đầu nhậm chức", Poling nhận xét.
Trong chiến dịch tranh cử, Trump nhiều lần lập luận rằng Biden sẽ có chính sách yếu đuối với Trung Quốc. Thực tế, từ một người ủng hộ thúc đẩy quan hệ với Bắc Kinh, quan điểm của Biden đối với Trung Quốc trở nên cứng rắn hơn trong thập kỷ qua. Trong cuộc tranh luận tại vòng bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ hồi tháng hai, Biden từng tuyên bố muốn Trung Quốc hiểu rõ rằng "họ phải chơi theo luật" trên Biển Đông.
Hồi năm 2016, trong một chuyến thăm Australia, Biden từng cam kết rằng Mỹ sẽ "đảm bảo các tuyến đường biển và bầu trời an toàn và rộng mở". "Tôi đảm bảo với bạn rằng Mỹ sẽ không đi đâu cả. Mỹ sẽ luôn có mặt ở Thái Bình Dương", ông nói.
Trong tham luận tại hội thảo Biển Đông, Bilahari Kausikan, cựu bí thư thường trực Bộ Ngoại giao Singapore Bilahari Kausikan đánh giá "rõ ràng chính quyền Obama đã miễn cưỡng trong việc có hành động cứng rắn hay đáp trả các hành động khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt là trong nhiệm kỳ hai". "Sự miễn cưỡng này đã dung túng cho hành vi ngày càng hung hăng của Trung Quốc", ông nói.
Kausikan nhận xét chính quyền Trump đã quyết liệt phản bác yêu sách của Trung Quốc hơn nhiều. "Biden ít khả năng đảo ngược hoàn toàn phương hướng này, nhưng vẫn còn quá sớm để xác định chính quyền Biden sẽ hành động như thế nào ở Biển Đông", chuyên gia nhận xét.
"Biden là phó tổng thống dưới thời Obama và ông ấy không thể trốn tránh trách nhiệm về những gì đã xảy ra dưới thời Obama. Mọi động thái của Biden sẽ được đối tác cũng như đối thủ xem xét kỹ lưỡng để xem liệu có bất kỳ dấu hiệu yếu ớt nào hay không", ông nói.
Euan Graham, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Singapore,
đề cập đến việc trong thời gian gần đây, các nước thuộc nhóm Bộ Tứ (Ấn Độ, Mỹ, Australia, Nhật Bản) đã có các hoạt động chung như tập trận trên biển để gửi đi thông điệp về Biển Đông. Ông cho rằng nên chờ xem chính quyền Biden có tiếp tục thúc đẩy các hoạt động với các nước Bộ Tứ hay không.
"Làm việc với các đồng minh và đối tác là cách bền vững và lâu dài duy nhất để Mỹ duy trì lập trường ở Biển Đông", Graham nói.
Phương Vũ