Nhiều người đang lên án dữ dội lễ hội thịt chó ở tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) khi chứng kiến cảnh những con chó bị hành hạ trước khi bị giết do quan niệm rằng lượng adrenaline tiết ra do cơn đau sẽ cải thiện chất lượng thịt. Việc ăn thịt chó khá phổ biến ở Trung Quốc và một số khu vực khác của châu Á, trong đó có Việt Nam và đã tồn tại từ hàng trăm năm nay. "Có nên cấm ăn thịt chó?" cũng là chủ đề gây nên nhiều tranh cãi gay gắt suốt nhiều năm.
Kịch liệt lên án các lễ hội thịt chó, đồng thời ủng hộ phong trào cấm ăn thịt chó, độc giả Lele bình luận: "Cấm thịt chó là phong trào toàn cầu, không riêng ở Trung Quốc hay Việt Nam. Thịt chó không phải và cũng không nên coi là đặc sản, vì du khách phương Tây sẽ không ăn. Đặc biệt, chẳng có một tour du lịch nào bao gồm ẩm thực thịt chó cả. Vì thế, ăn thịt chó chỉ là một tư tưởng lạc hậu, khi mà con người còn nghèo đói, không có đủ thức ăn. Việc coi thịt chó là văn hóa, đặc sản, chỉ là ngộ nhận.
Chó vốn dĩ là vật nuôi gắn bó với con người vì nó sống trong nhà từ rất lâu. Còn bò vốn được nuôi để lấy sữa hoặc làm sức kéo, heo được nuôi để lấy thịt, nên không thể đánh đồng. Chó có tác dụng hỗ trợ con người khỏi trộm cắp, vì vậy luôn gần gũi con người nhất. Ngày nay, những bạn trẻ và gia đình có kinh tế còn nuôi chó làm thú cưng. Một khi còn ăn thịt chó, thì chúng ta sẽ không bao giờ chấm dứt nạn săn bắt chó, nghĩa là những con chó đang là thú nuôi cũng sẽ trở thành món ăn trên bàn nhậu. Có mâu thuẫn không khi con người vừa nuôi chó làm bạn và nhưng số khác lại bị làm thịt, đó là lý do cần cấm hẳn thịt chó.
Người phương Tây thường sống theo kiểu văn hóa bảo vệ động vật nuôi. Con người hiện nay cũng ăn tạp quá nhiều, chỉ cần mấy người ham nhậu không còn thích ăn thịt chó thì tôi tin chó sẽ không còn bị giết thịt. Đừng đánh đồng chó là món ăn văn hóa gì cả, muốn hội nhập quốc tế thì phải tiếp nhận xu hướng của toàn cầu hóa, đặc biệt là giới trẻ ngày càng nhiều người tham gia hiệp hội nhân văn bảo vệ những vật nuôi cưng của họ".
>> Ngừng ăn thịt chó, mèo không ngăn được nạn trộm chó
Tuy nhiên, không phải ai cũng ủng hộ quan điểm nói không với thịt chó, bạn đọc Vernonchou cho rằng: "Nhiều người luôn đòi hỏi tiêu chuẩn kép. Hành hạ con vật trước khi ăn đúng là không tốt, nhưng ăn gì thì là quyền lựa chọn của mỗi người. Con người đứng đầu chuỗi thức ăn nên chỉ cần không ăn thịt đồng loại và động vật quý hiếm, nằm trong danh sách cấm thì đều được chấp nhận.
Ví dụ người phương Tây ăn thịt bò rất phổ biến, nhưng ở Ấn Độ lại coi đây là loài vật linh thiêng nên không ăn. Vậy không lẽ chúng ta lại lên án người phương Tây? Tóm lại, có người cảm thấy chó là bạn có người không. Có người thích ăn thịt chó, có người không, đó là quyền của mỗi người. Cái đáng lên án ở đây phải là hành vi trộm chó, chứ không phải là người ăn thịt chó".
Đồng quan điểm, độc giả Phạm Thái Sơn phân tích: "Không phải cứ ăn lợn, gà, bò mới là văn minh, còn ăn thịt chó là không văn minh. Nhưng tôi tin chê bai, chỉ trích người ăn thịt chó một cách cực đoan mới là không văn minh, vì xâm phạm quyền tự do của của người khác. Trộm chó vừa bán cho lò mổ, vừa bán cho người nuôi chó, nên đừng đổ lỗi người ăn thịt chó khiến nạn trộm chó gia tăng. Chó giết thịt vẫn chủ yếu được thu mua từ các trang trại nuôi cho đấy thôi. Tôi phản đối chuyện hành hạ động vật, nhưng tôi không đánh đồng với việc ăn thịt chó".
"Có loài nào không thân thiện với loài người? Gà, heo cũng gần gũi với con người kém gì chó? Cứ xem quy trình nuôi gà công nghiệp ở Mỹ sẽ thấy ghê rợn mức nào. Chúng có thể bị đem say làm thức ăn chăn nuôi, hoặc cả đời chân không chạm đất, sống trong cái lồng bé tí, bị nhồi nhét ăn và bị bật đèn cả ngày để vỗ béo. Phương Tây không ăn thịt chó nhưng họ ăn thịt cá heo, thịt chim hoàng yến, gan ngỗng... Đó không phải là văn minh và chúng ta không cần phải bắt chước bằng mọi giá", bạn đọc Đọc nói thêm.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.