Trả lời:
Uốn ván là bệnh truyền nhiễm cấp tính do ngoại độc tố của vi khuẩn uốn ván phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí. Loại vi khuẩn này có mặt ở mọi nơi, nguy cơ mắc bệnh khi có vết thương hở rất cao.
Đã có những nghiên cứu về tình trạng nhiễm trùng uốn ván phát sinh từ vấn đề răng miệng. Như nghiên cứu về uốn ván thứ phát do nhiễm trùng đường miệng và răng, đăng trên Thư viện Y khoa quốc gia Mỹ đầu năm 2023, ghi nhận tới 26 trường hợp bị nhiễm uốn ván từ đường miệng. Trong số đó, gần 3/4·trường hợp có liên quan đến thủ thuật nha khoa, chủ yếu là nhổ răng, và có gần 1/4 trường hợp là do sâu răng.
Việt Nam chưa có nghiên cứu về bệnh uốn ván thứ phát do nhiễm trùng đường răng, miệng. Tuy nhiên, tháng 11/2024, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận một bệnh nhân nam 65 tuổi (sống tại Hải Dương) bị uốn ván nhưng không tìm thấy vết thương ngoài da hay dấu hiệu chấn thương nào có nguy cơ là đường xâm nhập của nha bào uốn ván. Vì vậy, các bác sĩ nghi ngờ nam bệnh nhân này bị mắc uốn ván từ khoang miệng.
Bệnh uốn ván nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như rối loạn thần kinh thực vật, suy hô hấp, động kinh, thuyên tắc phổi, tử vong.

Sâu răng có thể tạo cơ hội cho vi khuẩn uốn ván xâm nhập cơ thể. Ảnh minh họa: Vecteezy
Để phòng ngừa uốn ván, mọi người cần giữ gìn vệ sinh cá nhân bằng cách rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, vệ sinh răng miệng đúng cách, sử dụng đồ bảo hộ trong quá trình lao động, tránh để trầy xước da... Đồng thời, người dân nên tiêm vaccine vì đây là biện pháp phòng ngừa đơn giản và hiệu quả hơn cả.
Hiện nay Việt Nam có nhiều loại vaccine có thành phần ngừa uốn ván, tiêm cho trẻ em từ 2 tháng tuổi (sớm nhất từ 6 tuần tuổi) và người lớn như: 6 trong 1; 5 trong 1; 4 trong 1 phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván - bại liệt; 3 trong 1 phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván; 2 trong 1 phòng bạch hầu - uốn ván, hoặc mũi uốn ván đơn. Tùy vào độ tuổi và lịch sử tiêm chủng, bác sĩ sẽ tư vấn loại vaccine và liệu trình tiêm phù hợp.
Trẻ em từ 2 tháng tuổi sau lịch tiêm cơ bản 4 mũi, tiêm nhắc lại khi đủ 4-6 tuổi, sau đó tiếp tục tiêm nhắc lại sau mỗi 10 năm hoặc khi có vết thương hở, sâu, bẩn... thuộc yếu tố nguy cơ cao gây nhiễm trùng uốn ván.
Người lớn chưa tiêm hoặc không nhớ rõ lịch sử tiêm chủng cần tiêm tối thiểu ba mũi: mũi 2 cách mũi 1 một tháng, mũi 3 cách mũi 2 sáu tháng, cần tiêm nhắc sau 10 năm hoặc khi có vết thương. Trường hợp chưa tiêm ngừa chủ động, cần đến các cơ sở y tế gần nhất để được xử lý vết thương đúng cách, đồng thời tiêm ngừa và huyết thanh kháng uốn ván phòng bệnh.
Nếu đã tiêm dự phòng đầy đủ vaccine, khi có vết thương nặng, mọi người chỉ cần tiêm thêm một mũi vaccine, không cần dùng thêm huyết thanh.
Phụ nữ mang thai nên tiêm vaccine phòng uốn ván trong thai kỳ. Việc này giúp bảo vệ người mẹ khi sinh nở, đồng thời truyền kháng thể thụ động, phòng ngừa uốn ván sơ sinh cho trẻ.
ThS.BS Ngô Thị Kim Phượng
Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC
Độc giả đặt câu hỏi tư vấn vaccine để bác sĩ trả lời tại đây.