Trả lời:
Bồn cầu là nơi trú ngụ của rất nhiều loại virus, vi khuẩn. Trong khi đó, việc làm sạch bồn cầu tại các nhà vệ sinh công cộng khó kiểm soát, đôi khi bị bỏ quên dẫn tới tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây bệnh.
Các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI) như giang mai, lậu cũng có khả năng lây nhiễm vào cơ thể thông qua việc sử dụng toilet công cộng, song nguy cơ thấp. Đường lây chính của các bệnh này là tình dục không an toàn.
Tương tự, mụn cóc sinh dục và các bệnh do HPV cũng có khả năng nhiễm vào cơ thể khi sử dụng toilet chứa mầm bệnh. Tuy nhiên, trang Verywell Health đánh giá nguy cơ này thấp, có thể phòng ngừa được nhờ các biện pháp như vệ sinh sạch bệ toilet bằng cồn; dùng giấy vệ sinh hoặc tấm phủ bồn cầu che lại trước khi ngồi xuống để tránh tiếp xúc với da và bộ phận sinh dục; sử dụng giấy vệ sinh khô ráo; rửa tay sạch sẽ...
Ngoài ra, hiện có nhiều bằng chứng y học cho thấy virus này có thể lây truyền qua những con đường phi tình dục khác như tiếp xúc da kề da hoặc tiếp xúc với vật dụng dính mầm bệnh. HPV có thể tồn tại ở các kẽ ngón tay, móng tay, hay các bề mặt tiếp xúc công cộng như tay nắm cửa...
Vì vậy, ngoài các biện pháp phòng bệnh nói trên, mọi người nên chủ động phòng bệnh bằng cách tiêm chủng. Hiện Việt Nam có hai loại vaccine HPV gồm Gardasil và Gardasil 9, dành cho người 9-26 tuổi, người từ 27 tuổi trở lên cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước tiêm chủng. Trong đó, vaccine Gardasil 9 được mở rộng chỉ định cho nam giới, cộng đồng LGBTQ+, không giới hạn yếu tố quan hệ tình dục.
Bác sĩ Nguyễn Minh Luân
Chuyên viên Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC