Trả lời:
Phẫu thuật u nang buồng trứng có thể cắt bỏ hẳn buồng trứng bên có u hoặc chỉ bóc phần buồng trứng bị u và để lại phần lành của nó. Buồng trứng lành (và các phần lành bên buồng trứng bị khối u) còn lại vẫn có khả năng làm đầy đủ chức năng nội tiết (chế tiết ra các hoóc môn đổ vào máu) và ngoại tiết (rụng trứng trong mỗi chu kỳ kinh để có thể thụ tinh). Vì thế, khả năng thụ thai của người bị mổ u nang buồng trứng gần như các phụ nữ bình thường khác. Trường hợp của chị (sau khi mổ một tháng đã có thai) đã chứng minh điều đó. Trường hợp vô sinh sau mổ chắc chắn chỉ xảy ra khi phải cắt bỏ cả hai buồng trứng.
Trường hợp có thai sớm của chị có thể chưa hợp lý, vì chị còn chưa kịp hồi phục hoàn toàn sau cuộc phẫu thuật đã phải chịu đựng một lần thai nghén và sinh đẻ. Tuy nhiên, nếu chị chú ý ăn uống tốt, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý thì thai nhi vẫn có thể phát triển bình thường.
Việc thai nhi ngày một phát triển dĩ nhiên sẽ làm bụng to ra, thành bụng giãn. Nhưng quá trình đó diễn ra từ từ trong suốt hơn chín tháng mang thai nên ít khi gây tổn thương đến sẹo mổ trên thành bụng. Còn ở bên trong, sẹo mổ ở buồng trứng bị bệnh ít chịu ảnh hưởng của cuộc thai nghén nên cũng không có gì đáng lo ngại. Chị chỉ phải lo lắng khi có sẹo mổ ở ngay tử cung (do mổ phụ khoa hay mổ đẻ). Trong trường hợp này, nếu có thai sớm sau mổ, lúc sẹo chưa được chắc, thì nguy cơ nứt sẹo khi có thai và chuyển dạ sẽ rất cao.
Tóm lại, chị không nên lo ngại nhiều. Hãy đi khám thai đều đặn, thường xuyên theo chỉ dẫn của cán bộ y tế.
BS Phó Đức Nhuận, Sức Khỏe & Đời Sống