Nội dung này được đề cập tại báo cáo thẩm tra của các Ủy ban thuộc Quốc hội về thực hiện nghị quyết từ đầu nhiệm kỳ.
Giá điện hiện được điều chỉnh theo Quyết định 24/2017, với hai cơ chế gồm hằng năm và trong năm. Cơ chế hằng năm điều chỉnh theo biến động khách quan thông số đầu vào tất cả khâu (phát điện, truyền tải, phân phối - bán lẻ điện, điều hành, quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện) và trong năm khi có biến động đầu vào ở khâu phát điện.
Khi các thông số đầu vào làm giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với hiện hành sẽ được xem xét điều chỉnh tăng (nếu giảm thì điều chỉnh giảm) 6 tháng một lần. Các quyết định điều chỉnh giá điện đều báo cáo Thủ tướng xem xét, có ý kiến, theo Quyết định 24.
Giá mặt hàng này được nhà chức trách giữ ổn định trong giai đoạn Covid-19 (2020-2022). Gần nhất tăng thêm 3% từ 4/5/2023, mức thấp nhất theo Quyết định 24, lên 1.920,37 đồng một kWh, để giảm tác động tới nền kinh tế và giải quyết một phần khó khăn tài chính, dòng tiền của EVN. Năm ngoái, tập đoàn này ghi nhận lỗ hơn 26.200 tỷ đồng do giá nhiên liệu sản xuất tăng làm chi phí mua điện của tập đoàn này tăng. Và nửa đầu năm nay, EVN lỗ hơn 35.400 tỷ đồng, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư.
Khi thẩm tra, các Ủy ban của Quốc hội nhận xét cơ chế giá bán lẻ điện hiện nay chưa đồng bộ với thực tế phát triển thị trường. "Giá mặt hàng này cũng không phản ánh kịp thời chi phí nhiên liệu đầu vào cũng như khan hiếm cung - cầu điện, chưa được hình thành theo từng khu vực địa lý", báo cáo nêu.
Cụ thể, khung pháp lý cho việc tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh (VWEM) vẫn chưa hoàn thiện. Và các nhà máy điện tái tạo được xây dựng theo tư duy "giá FIT" gặp nhiều rủi ro khi tham gia chào giá trên thị trường điện cạnh tranh.
Bên cạnh đó, chính sách về giá điện còn bất cập. Chẳng hạn, hiện chưa có quy định về giá phân phối điện sẽ do Nhà nước điều tiết tương tự giá truyền tải hay không; vấn đề tính đúng, đủ và lợi nhuận hợp lý của các đơn vị điện lực. Cũng theo các cơ quan thẩm tra, thẩm quyền ban hành cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện và vấn đề trong điều hành cũng chưa hợp lý.
Góp ý thêm, Ủy ban Kinh tế đề nghị hoàn thiện cơ chế điều chỉnh giá điện phù hợp thực tế. Việc điều chỉnh giá phải bảo đảm điều hành minh bạch, không gây ảnh hưởng lớn, đột ngột và tiêu cực đến sản xuất và đời sống của người dân.
Chính phủ cho biết, Bộ Công Thương đang nghiên cứu sửa đổi Quyết định 24 về cơ chế điều chỉnh giá điện, trong đó có thể tính thêm khoản lỗ sản xuất kinh doanh, chênh lệch tỷ giá chưa được hạch toán vào giá điện.
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2023, ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Fulbright Việt Nam cho rằng giá điện cần tính đủ chi phí sản xuất nếu muốn có nền kinh tế chuyển đổi xanh, tăng năng lượng tái tạo. Việc tăng giá, theo ông, có thể kéo theo phản ứng tiêu cực trong xã hội, nhưng "không thể nào phát triển năng lượng tái tạo mà không có lộ trình tăng giá điện ở mức đủ hấp dẫn đầu tư".
Về các giải pháp đảm bảo cung ứng điện, Thường trực Ủy ban Kinh tế lưu ý phải đẩy nhanh triển khai các giải pháp cần thiết để bảo đảm cung ứng điện mùa khô cuối năm 2023; đẩy nhanh tiến độ các công trình nguồn, lưới đang triển khai để kịp thời đưa vào vận hành. Chính phủ cần sớm đưa ra cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp.
Tháng 7, Thủ tướng đã phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia tới 2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch điện VIII), nhưng kế hoạch thực hiện quy hoạch này hiện chưa được ban hành.
Theo các cơ quan thẩm tra, Quy hoạch điện VIII ban hành chậm hơn 2 năm so với yêu cầu tại Nghị quyết 134. Việc này đã ảnh hưởng tới các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm (2021-2030), và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2021-2025). Các cơ quan của Quốc hội "giục" Chính phủ sớm ban hành kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, trong đó nêu cụ thể quy mô công suất, tiến độ các dự án theo từng địa phương... để làm căn cứ thực hiện quy hoạch.