Bộ Công Thương vừa có tờ trình gửi Thủ tướng về dự thảo quyết định thay thế Quyết định 24/2017 cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, sau khi Bộ Tư pháp thẩm định.
Theo tờ trình, công thức tính giá điện bình quân vẫn bổ sung các khoản chênh lệch tỷ giá, lỗ sản xuất kinh doanh và các chi phí khác chưa được tính vào giá bán lẻ điện. Các số liệu này được xác định theo báo cáo tài chính được kiểm toán. EVN sẽ đề xuất phương án phân bổ các chi phí này, Bộ Công Thương cùng Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trình Thủ tướng xem xét, quyết định.
Bộ Công Thương cho hay việc bổ sung các dữ liệu trên vào công thức xác định giá bán lẻ điện bình quân để phù hợp với thiết kế thị trường bán buôn cạnh tranh và giá điện gắn với giá thành sản xuất, như góp ý của Thanh tra Chính phủ. Bộ cũng khẳng định việc cho EVN thu hồi khoản lỗ sản xuất kinh doanh trong tính giá điện dựa trên quy định pháp luật, thực tế và ý kiến các bộ ngành.
Khi thẩm định dự thảo, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Công Thương cùng Bộ Tài chính rà soát các quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, đảm bảo Luật Giá, Luật Điện lực. Ngoài ra, cơ quan này cũng đề nghị làm rõ mối liên hệ giữa chi phí khâu phát điện của năm tính toán theo thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện ảnh hưởng thế nào tới tổng chi phí mua điện.
Theo giải thích của Bộ Công Thương, chi phí phát điện được xác định trên cơ sở giá nhiên liệu (than, dầu, khí) của các nhà máy điện. Giá các nhiên liệu này theo cơ chế thị trường, nên khi có biến động lớn sẽ ảnh hưởng tới chi phí phát điện của các nhà máy. Việc này ảnh hưởng trực tiếp tới tổng chi phí mua điện, giá bán lẻ điện bình quân của EVN.
Trong khi góp ý trước đó, Bộ Tài chính cho rằng Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, các văn bản hướng dẫn không quy định về phương án phân bổ các khoản lỗ sản xuất kinh doanh, chi phí khác chưa được tính vào giá điện và thẩm quyền Thủ tướng quyết định nội dung này. Vì thế, Bộ Tài chính đề nghị bỏ quy định này tại dự thảo quyết định sửa Quyết định 24.
Các chuyên gia cũng cho rằng việc bổ sung các khoản lỗ, chênh lệch tỷ giá cần có lộ trình phân bổ để tránh giá điện tăng sốc.
Về thẩm quyền tăng giá, dự thảo giữ nguyên mức điều chỉnh từ 3% trở lên so với hiện hành thì giá điện được xem xét tăng. Bộ Công Thương lập luận, việc tăng giá ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô, sản xuất và đời sống người dân. Nếu ở mức tăng thấp hơn đã cân nhắc điều chỉnh có thể gây xáo trộn tâm lý của doanh nghiệp, người dân và tạo dư luận không tốt. Vai trò của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được bổ sung khi kiểm tra, rà soát phương án giá điện EVN xây dựng.
Như vậy, EVN được tự quyết định tăng hoặc giảm giá ở dưới mức 5%. Ở mức 5-10%, Bộ Công Thương xem xét, chấp thuận cho EVN tăng. Còn với mức tăng trên 10%, Thủ tướng sẽ xem xét, quyết định.
Ngược lại, khi giá bán lẻ điện bình quân tính toán giảm từ 1% trở lên so với giá hiện hành, thì giá điện sẽ giảm và thẩm quyền thuộc EVN. Quy định này để minh bạch hơn trong điều chỉnh giảm giá và tránh lãng phí nguồn lực khi mức giảm nhỏ cũng điều chỉnh.
Bộ Tư pháp khi thẩm định dự thảo, nêu quan điểm việc giữ nguyên quy định tại Quyết định 24/2017 thẩm quyền điều chỉnh giá của EVN nếu giá điện bình quân tính toán tăng 3-5% so với giá hiện hành, là chưa khả thi. Bởi thực tế, cơ chế này chưa một lần được thực hiện.
Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, trong bối cảnh giá nhiên liệu biến động tăng cao hiện nay, mức giá điện tính toán để thu hồi đủ chi phí hợp lý, hợp lệ và có lợi nhuận định mức phù hợp là rất cao. Vì thế việc giữ nguyên thẩm quyền điều chỉnh của EVN để linh hoạt trong điều hành, và vẫn phản ánh được biến động thông số đầu vào theo thị trường.
Bộ này cũng cho hay giá điện có thể điều chỉnh nhiều lần trong năm. Để tránh giật cục, cơ quan soạn thảo đề xuất rút ngắn chu kỳ điều chỉnh 6 tháng xuống 3 tháng. Tức là mỗi năm sẽ có 4 đợt thay đổi giá. Giá được cập nhật hàng quý theo chi phí phát điện, các khoản chi phí chưa được tính vào giá điện. Quy định này giúp điều hành giá điện linh hoạt, hiệu quả hơn với tình hình kinh tế vĩ mô từng thời điểm.
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh giá bán điện bình quân hằng năm cũng được sửa đổi để minh bạch hơn. Tức là, mức thay đổi giá thực tế có thể thấp hơn phương án xây dựng, kết quả rà soát, kiểm tra của cơ quan Nhà nước. Việc này để giảm thiểu ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô, sản xuất của doanh nghiệp và đời sống người dân.
PGS. TS Trần Văn Bình, Viện Kinh tế Quản lý (Đại học Bách Khoa Hà Nội) bình luận, sửa cơ chế giá bán lẻ điện bình quân theo hướng có tăng và giảm với biên độ cụ thể giúp Việt Nam tiến gần hơn đến thị trường điện. Tuy vậy với đặc điểm điều kiện tự nhiên Việt Nam, theo ông, giá điện sẽ có chênh lệch lớn giữa mùa khô và mưa. "Lúc này, tần suất biến động tăng, giảm nhiều, EVN có được quyền tăng giá bán lẻ bình quân như quy định hay bị kìm giữ như vừa qua?", ông Bình đặt vấn đề.
Băn khoăn được ông Bình đưa ra khi điều chỉnh giá điện vừa qua không diễn ra theo định kỳ hay tuân thủ quy định tại Quyết định 24/2017. Theo thống kê, giai đoạn 2009-2012 khi khâu phát điện chưa tổ chức theo mô hình cạnh tranh, các lần điều chỉnh giá được thực hiện đều đặn, có năm điều chỉnh hai lần.
Từ 2013 đến nay, khi thị trường phát điện cạnh tranh vận hành, tức là tính chất thị trường trong giao dịch ở phần nguồn điện tăng lên, nhưng tần suất điều chỉnh giá lại ít hơn. Chẳng hạn, từ 2017 đến nay, giá điện được điều chỉnh 3 lần, vào 2017 (tăng 6,08%), 2019 là 8,36%. Giá này được giữ trong 4 năm, tới tháng 5/2023 mới tăng thêm 3%.