"Xem xét các hành vi gần đây, tôi không loại trừ khả năng Nga tìm thêm lý do để tiếp tục cắt giảm nguồn cung khí đốt tới châu Âu, thậm chí họ có thể cắt hoàn toàn trong nỗ lực tăng cường đòn bẩy chính trị", người đứng đầu IEA Fatih Birol trả lời Reuters ngày 22/6. "Đây là lý do châu Âu cần chuẩn bị các kế hoạch dự phòng".
Ông Birol cho rằng động thái cắt giảm khí đốt gần đây của Nga mang tính "chiến lược", khiến các quốc gia châu Âu khó lấp đầy kho dự trữ, đồng thời tăng lợi thế của Nga vào mùa đông tới, thời điểm nhu cầu khí đốt tăng cao. Tuy nhiên, Birol nhấn mạnh IEA không coi phương án Nga cắt hoàn toàn khí đốt là kịch bản có khả năng xảy ra nhất.
IEA là tổ chức liên chính phủ có trụ sở tại Paris, với nhiệm vụ ứng phó gián đoạn nguồn cung năng lượng và thống kê thị trường dầu quốc tế.
Trong những tuần gần đây, một số quốc gia châu Âu báo cáo nguồn cung khí đốt Nga giảm đáng kể. Châu Âu nhập khoảng 40% nhu cầu khí đốt tự nhiên từ Nga trước khi xung đột Ukraine bùng phát, song con số này hiện còn khoảng 20%.
Tuần trước, dòng khí đốt tự nhiên chảy qua đường ống Nord Stream đã giảm xuống còn 40% công suất, khiến giá năng lượng tăng cao. Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom giải thích việc lưu lượng khí đốt qua đường ống Nord Stream bị giảm là do sửa chữa, song giới chức EU tin rằng Moskva đang muốn trừng phạt các đồng minh của Ukraine.
Ngày 17/6, tập đoàn năng lượng Italy Eni báo cáo chỉ nhận được khoảng 1/2 lượng khí đốt từ Gazprom so với mức thông thường. Slovakia và Áo cũng thông báo nguồn cung khí đốt Nga giảm mạnh.
Pháp cho biết họ không nhận được khí đốt Nga từ Đức kể từ ngày 15/6. Đan Mạch ngày 20/6 phát cảnh báo cấp độ một do nguồn khí đốt Nga giảm. Một ngày sau, Bộ trưởng Kinh tế Đức gọi động thái cắt giảm khí đốt của Gazprom là "một cuộc tấn công".
Liên minh châu Âu cấm nhập dầu mỏ và than đá của Nga, nhưng không cấm nhập khẩu khí đốt do châu lục này phụ thuộc nhiều vào nguồn cung từ Moskva. Tháng trước, EU cam kết lấp đầy ít nhất 80% các cơ sở dự trữ vào tháng 11 trước tình hình giá khí đốt biến động, song hiện chỉ thực hiện được khoảng 55%.
Nga đã ngừng cung cấp khí đốt tới Ba Lan, Bulgaria, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Hà Lan, sau khi các quốc gia này từ chối yêu cầu thanh toán bằng đồng ruble.
Đức Trung (Theo Reuters, BBC)