Trả lời:
Tắm không những làm sạch da mà còn giúp giữ lỗ chân lông thông thoáng, qua đó chất bã và mồ hôi được giải phóng trên bề mặt da. Tắm cũng có thể giúp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể. Tuy nhiên, việc tắm quá mức sẽ ảnh hưởng đến hệ vi sinh bề mặt của da, mất đi các vi khuẩn có lợi khi sử dụng nhiều hóa chất hay xà phòng sát khuẩn.
Ngoài ra ở một số người, các hóa chất này có thể tác động lên bề mặt da gây thay đổi độ ẩm của da, kích ứng, khô, rạn, nứt da... Từ đó, phá vỡ hàng rào vật lý kèm thay đổi hệ vi sinh bề mặt da trước đó, có thể là nguồn gốc xuất phát các ổ nhiễm khuẩn. Đặc biệt, người già có sức đề kháng yếu, người bệnh về da sẵn có, tổn thương da trong hội chứng Cushing, rất dễ dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn.
Đồng thời, khi cơ thể đang ở ngoài nắng, nhiệt độ môi trường khá cao, về nhà tắm ngay sẽ dẫn đến sự thay đổi nhiệt độ đột ngột. Khi đó trung tâm điều nhiệt cơ thể phải hoạt động liên tục. Do vậy, khi đi ngoài nắng về cũng như khi đổ mồ hôi nhiều, không được tắm ngay mà nên nghỉ ngơi, đợi khô mồ hôi khoảng 30 phút.
Ngoài ra, cũng không nên tắm nhiều lần trong ngày để tránh việc cơ thể bị thay đổi nhiệt độ liên tục, không có lợi cho sức khỏe.
Theo nghiên cứu tại Trường đại học Wisconsin - Madison, Mỹ, những người tiếp xúc với sự thay đổi nhiệt độ có nhiều khả năng mắc các bệnh về đường hô hấp. Khi đó người bệnh sẽ có các triệu chứng như hắt hơi, ho, đau họng. Đặc biệt ở người già hay trẻ em, những người có hệ thống điều nhiệt không thích ứng đầy đủ.
Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột còn có thể đặc biệt nguy hiểm đối với những người mắc bệnh hen suyễn hoặc dị ứng. Triệu chứng bệnh có thể trở nên trầm trọng hơn hoặc kích hoạt nên một đợt cấp mới của bệnh.
BS.CK2 Nguyễn Viết Hậu
Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM