Trả lời:
Khi đời sống được cải thiện, mọi người có xu hướng tìm mua và sử dụng những vị thuốc y học cổ truyền quý hiếm như nhân sâm, nấm linh chi, đông trùng hạ thảo để bồi bổ. Dân gian cũng truyền miệng là mật động vật như mật lợn, bò tót, rắn, thậm chí cả mật cá trắm và mật cóc giúp tăng cường sinh lực, cải thiện sức khỏe, giải rượu, giải độc và phòng chống nhiều loại bệnh tật, kể cả bệnh ung thư. Đây là điều hoàn toàn sai lầm và nguy hiểm.
Đông và Tây y dùng mật động vật làm thuốc nếu đảm bảo vô trùng. Tây y chỉ dùng mật lợn, mật bò; còn Đông y dùng mật của nhiều loại như mật gấu, dê, lợn, bò, trăn, rắn để chữa đau bụng, kém tiêu hóa, đau gan, dạ dày, ho hen, táo bón, ho gà, giảm đau, tiêu viêm.
Tuy nhiên, mọi dịch mật (kể cả mật gấu, mật bò tót) đều chứa axit có độc tố cao hoặc các kim loại nặng do loài vật ăn vào và đào thải.
Đa số chất thải, chất độc, thuốc, hóa chất độc hại được gan chuyển hóa, khử độc, sau đó thải ra khỏi cơ thể qua hai đường chính là mật và nước tiểu, một số ít thải qua hơi thở, phân và mồ hôi. Đường dẫn mật thông với ruột, nơi chứa rất nhiều vi khuẩn, ký sinh trùng, giun sán. Do đó, nuốt mật lợn cũng như các loại mật động vật khác đều gây hại sức khỏe do không đảm bảo vô trùng. Nếu mật nhiễm giun, sán, khuẩn dẫn đến nguy cơ ngộ độc, viêm dạ dày, viêm gan, viêm đường dẫn mật, viêm tụy, thậm chí tử vong.
Ngoài ra, tất cả loại mật động vật đều có chất độc, dù hàm lượng chất độc trong từng loại mật có khác nhau, nếu sử dụng tùy tiện có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Hiện, chưa có tài liệu khoa học nào cho thấy tác dụng của việc uống mật động vật như lợn, trắm, mật gấu, bò tót... là có lợi cho sức khỏe. Mọi người cần tỉnh táo để lựa chọn, không nên mù quáng nghe theo kinh nghiệm truyền miệng, thiếu khoa học.
Lương y Bùi Đắc Sáng
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Hội Đông y Hà Nội