Trả lời:
Thời tiết nắng nóng, người làm việc ngoài trời thường bị ra nhiều mồ hôi, mất sức, mệt mỏi. Nếu ngồi điều hòa nhiệt độ thấp có thể dẫn đến sốc nhiệt, tăng huyết áp, đột quỵ... do chênh lệch nhiệt độ.
Vì vậy, khi đi ngoài nắng về, bạn không nên ngồi ngay trong phòng điều hòa và không để nhiệt độ điều hòa quá chênh lệch với nhiệt độ môi trường, chỉ nên chênh khoảng 4-5°C. Lúc này, cơ thể cần một giai đoạn chuyển tiếp để hạ nhiệt và thích nghi dần với nhiệt độ, không đột ngột từ nóng sang lạnh hoặc ngược lại.
Nên lau bớt mồ hôi rồi mới vào phòng điều hòa để tránh mất nước, hạ nhiệt, gây cảm lạnh. Hạn chế đi ra, đi vào giữa hai nơi có nhiệt độ chênh lệch nhiều lần. Tránh để luồng gió điều hòa thổi thẳng vào mặt. Nếu muốn ra khỏi phòng điều hòa, nên mở cửa phòng, đứng vài phút cho quen với môi trường xung quanh rồi mới ra bên ngoài. Nhóm nguy cơ như người cao tuổi, trẻ nhỏ, người mắc bệnh phổi, bệnh hô hấp, người suy giảm miễn dịch cũng cần thận trọng khi sử dụng điều hòa.
Không nằm liên tục hoặc không ngồi làm việc dưới điều hòa quá 6 giờ đồng hồ trong một ngày. Gia đình nên vệ sinh điều hòa từ hai đến ba lần trong năm, tùy vào mức công suất, thời gian sử dụng.
Khi ngồi điều hòa lâu, người dân cần chú ý đảm bảo độ ẩm thích hợp. Ở công ty nên có quạt thông gió để không khí không bị ngột ngạt, bí bách. Tại nhà, bạn nên thỉnh thoảng mở cửa sổ để không khí thoáng đãng, thoải mái hơn.
Để tránh sốc nhiệt, bạn cần kiểm soát nhiệt độ phòng, không để quá thấp, nhất là phòng có trẻ nhỏ và người già. Khi phòng đủ mát, nâng nhiệt độ lên tối thiểu 27-28 độ C. Nếu muốn ra khỏi phòng điều hòa, nên mở cửa, đứng vài phút cho quen với môi trường xung quanh rồi mới ra ngoài.
Bác sĩ Trần Đình Thắng
Khoa Cấp cứu đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương (Hà Nội)