Giáo sư Mai Trọng Khoa, nguyên Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết quan điểm "bỏ đói tế bào ung thư" hoặc tu luyện theo một pháp môn nào đó để chữa trị, là sai lầm.
Kết quả, người bệnh rơi vào tình trạng suy kiệt nặng, lúc phát hiện ở giai đoạn rất sớm có nhiều cơ hội điều trị thì giờ vào giai đoạn 3-4, thậm chí giai đoạn cuối. Thay vì áp dụng phác đồ điều trị, các bác sĩ lại phải chống suy kiệt bằng việc truyền đạm, đường, các chất dinh dưỡng... cho bệnh nhân để nâng cao thể trạng. Không ít người đã chết do suy kiệt trước khi chết vì ung thư.
"Chưa ghi nhận trường hợp nào chữa khỏi bệnh ung thư chỉ bằng chế độ thực dưỡng", ông Khoa nói.
Cơ thể khỏe mạnh tạo ra hệ miễn dịch tốt. Các tế bào miễn dịch khỏe mạnh mới đủ khả năng phát hiện, ức chế, tiêu diệt các tác nhân gây bệnh, trong đó có tế bào ung thư. Bản thân tế bào ung thư cũng cần dinh dưỡng và lấy dinh dưỡng từ người bệnh. Người ung thư không được cung cấp đủ năng lượng sẽ gầy sút, không đủ sức khỏe để chống chọi với bệnh tật, không đáp ứng được với các phương pháp điều trị đặc hiệu như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị...
"Không nên cả tin, tốn kém tiền bạc, thời gian cho các cách chữa bệnh thiếu khoa học mà đánh mất cơ hội điều trị chính thống ngay từ giai đoạn vàng", giáo sư Khoa khuyên.
Bên cạnh dùng thuốc và các phương pháp điều trị đặc hiệu, dinh dưỡng là một phần không thể thiếu trong liệu trình điều trị bệnh ung thư, theo giáo sư Khoa.