Trả lời:
Một số quan sát phát hiện môi trường bên trong hoặc xung quanh khối u thường có tính acid, nguyên nhân có thể do thiếu oxy, máu nuôi khối u, một số chất từ khối u hoặc do cơ thể tạo môi trường acid bao quanh khối u. Do đó, một số người nghĩ rằng bằng cách kiềm hóa máu có thể ngăn khối u phát triển. Tuy nhiên, đây chỉ là tự suy đoán, không có bằng chứng khoa học, giống như những đồn thổi về thực dưỡng.
Những người theo trường phái này cho rằng khi ăn các thực phẩm gọi là giàu kiềm như các loại hạt, rau, củ, quả, rong biển, trái cây... và tránh xa các thực phẩm được cho là sinh acid như thịt, cá, trứng, sữa, nước ngọt, thức uống có cồn... sẽ giúp kiềm hóa máu và ngăn chặn khối u.
Trên thực tế, cân bằng kiềm - toan trong cơ thể là một quá trình tinh vi, phức tạp. Mức pH trong máu phải được giữ hằng định với độ dao động nhỏ, nếu không toàn bộ cơ thể đều bị ảnh hưởng và có thể tử vong nếu thay đổi quá lớn. Hai cơ quan chính là phổi và thận tham gia vào việc giữ ổn định này. Thay đổi pH trong nước tiểu sau ăn chỉ là do thận điều tiết để giữ ổn định trong máu, không phải là pH máu. Thức ăn không tác động đến pH máu nên việc đo pH trong nước tiểu không phản ánh pH trong máu.
Các chế độ ăn như kiềm hóa, thực dưỡng, các loại nước ion hóa, kiềm hóa... chỉ mang tính quảng cáo, không ảnh hưởng đến pH máu và cũng không có bằng chứng khoa học giúp ngăn ngừa hay điều trị bệnh ung thư. Tuy nhiên, chế độ ăn lành mạnh như hạn chế rượu bia, nhiều rau xanh, trái cây, vận động thường xuyên... thì vẫn tốt cho sức khỏe nói chung.
Tác giả nổi tiếng về loạt sách chế độ ăn kiềm hóa, Robert Young, bị tòa án Mỹ kết án thực hành không giấy phép, phải ngồi tù vài năm và đóng phạt hơn 100 triệu USD do bệnh nhân kiện ông đã kêu họ bỏ qua hóa trị mà chỉ làm theo chế độ ăn kiềm, sau đó bệnh tiến triển. Điều ngạc nhiên là nhiều người Việt Nam vẫn tin, làm theo, kể cả một số người khá nổi tiếng vẫn chia sẻ và cổ vũ mà không tìm hiểu kỹ, không có chuyên môn.
Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ
Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện TP Thủ Đức, TP HCM