Theo Đông y, cà pháo có vị ngọt, tính lạnh, có ít độc, tác dụng tán huyết ứ, tiêu sưng, viêm. Quả cà pháo muối lâu năm đem đốt tồn tính, lấy than sát vào răng, lợi để chữa đau răng, viêm lợi. Hoặc dùng quả cà pháo muối, khoét lỗ hay bổ đôi, băng trị ngón tay, ngón chân nứt nẻ.
Cần lưu ý là trước khi chín, quả cà pháo có chứa chất độc solanin (giống như chất trong mầm xanh của khoai tây). Do đó, người mới ốm dậy, người sức khỏe yếu không nên ăn cà pháo vì sẽ sinh động khí gây bệnh. Đàn bà ăn nhiều cà pháo cũng gây trở ngại cho hoạt động của tử cung.
Ở người phụ nữ sau khi sinh, khí huyết còn suy yếu không nên ăn các thức ăn có chứa chất độc như cà pháo, cà bát, cà dái dê, măng, khoai mì,...
Theo Hải Thượng Lãn Ông, sữa do khí huyết tạo thành, sản phụ không nên ăn nhiều muối vì muối sẽ làm cho không có sữa, lại sinh ho, khó chữa.
Như vậy, phụ nữ sau khi sinh nếu ăn nhiều cà pháo muối sẽ gây bất lợi cho việc tạo sữa. Cả mẹ lẫn con có thể bị ho, khí huyết không thông, có thể gây nhức mỏi.
Lương y Đinh Công Bảy, Khoa Học và Đời Sống