Ông nội tôi có bảy người con, ba gái, bốn trai. Khi các con ra riêng, ông chia cho con gái mỗi người hai công đất vườn (2.000 m2), con trai bốn công (tức 4.000 m2) và một nền nhà.
Đến đời bố tôi sinh được ba con trai, tôi là con trai giữa. Anh lớn và tôi đã lập gia đình, còn em út thì chưa.
Lại nói sơ về quá trình làm ăn, từ 4.000 m2 vườn được cho ban đầu, sau mấy chục năm làm việc, ăn không dám ăn, tiêu không dám tiêu, bố tôi cũng dành dụm mua thêm được 6.000m2 đất vườn. Tổng cộng ông có 10 công (tức 10.000m2). Do có ba con trai, ông định chia hai đứa 3.000m2, đứa còn lại (út) là 4.000m2 vì lãnh trách nhiệm nuôi, thờ phụng sau này.
Tôi và anh trai thống nhất chỉ lấy tượng trưng 2.000 m2 đất, để sau này có cái gọi là đất hương hỏa ông bà để lại chia cho con cháu. Còn 1.000 m2 đất dư ra của mỗi người, dồn lại cho chú út hết. Bởi chúng tôi đã ra riêng từ lâu, tài chính cũng ổn nên muốn nhường lại cho em út.
Tôi thấy mọi chuyện đã ổn. Nhưng bố tôi tuổi già vẫn đau đáu, thấy bản thân chưa làm tròn trách nhiệm vì chia đất cho con cái ít hơn số đất được chia (từ ông nội của tôi).
Thế mới thấy, đất đai luôn là nỗi ám ảnh với rất nhiều người Việt. Cũng may tôi và anh trai nhận thấy và buông bỏ được nỗi ám ảnh này. Nhưng nhiều người khác thì không. Cố mua nhiều đất nhất có thể để có của chia cho con cái. Nếu không có gì để chia, hoặc ít đất, thì rất nhiều ông bố bà mẹ cảm thấy mình chưa làm tròn bổn phận. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân trực tiếp khiến giá đất tăng cao.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.