Việc nắm quyền kiểm soát nguồn dầu mỏ khiến Nhà nước Hồi giáo (IS) trở thành nhóm khủng bố giàu có nhất từ trước tới nay. Đây cũng là lý do khiến Mỹ và đồng minh tiến hành nhiều đợt không kích nhằm vào các mỏ dầu và nhà máy của chúng từ cuối tháng 9. Nhưng hai tuần trôi qua, một câu hỏi lớn vẫn tồn tại: liệu chiến dịch của Mỹ có thật sự thành công trong việc bóp nghẹt "con ngỗng vàng" của IS không?
Theo một số báo cáo, IS kiếm khoảng 2 triệu USD một ngày từ việc buôn bán bất hợp pháp dầu thô cũng như các sản phẩm dầu tinh chế. Tiền thu từ dầu, kết hợp với những mánh khóe làm ăn phi pháp khác, khiến khả năng tự cung tự cấp của IS khá ổn định. Tuy nhiên, đổi lại, cơ sở hạ tầng dùng trong khai thác dầu của IS dễ bị Mỹ và đồng minh phá hủy trong các cuộc không kích, theo Foreign Policy.
Hai tuần sau khi kế hoạch "làm suy yếu và tiến tới tiêu diệt IS" của Lầu Năm Góc được khởi động, Trung tâm Chỉ huy Quân đội Mỹ cho biết đã tấn công khoảng 16 nhà máy lọc dầu lưu động, một bộ phận quan trọng trong cỗ máy kiếm tiền của IS.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Mỹ lại không theo dõi tác động của các cuộc không kích này tới việc sản xuất dầu mỏ của IS. Theo phát ngôn viên Bộ Tài chính, vẫn còn quá sớm để đưa ra bất kỳ số liệu chính thức nào.
Lầu Năm Góc ước tính sơ bộ mỗi nhà máy lọc dầu lưu động hằng ngày có thể cho ra từ 300 đến 500 thùng sản phẩm tinh chế, ví dụ như dầu diesel. Theo đó, tính đến nay, các đợt dội bom của chiến đấu cơ Mỹ xóa sổ khoảng 8.000 thùng dầu đã qua xử lý, tương đương gần một nửa trong số 18.000 thùng mà chuyên gia tin rằng IS có thể sản xuất được trong một ngày.
Tấn công vào nguồn dầu, Mỹ và đồng minh Arab vừa cắt đứt khả năng kiếm tiền của quân khủng bố, vừa làm suy giảm nguồn cung nhiên liệu phục vụ cho các hoạt động của nhóm cũng như dân chúng dưới quyền kiểm soát.
"Bị lấy đi một nửa lượng dầu tinh chế sẽ là một vấn đề nan giải đối với nhóm", Foreign Policy dẫn lời Valerie Marcel, chuyên gia dầu khí từ tổ chức cố vấn Chatham House ở London, nhận định. "Nếu tình trạng thiếu nhiên liệu xảy ra ở tất cả những nơi chúng kiểm soát, IS không thể duy trì sự ổn định của các quân đoàn. Nếu hậu cần quân đội bị ảnh hưởng, điều đó sẽ gây tác động vô cùng nghiêm trọng".
Bên cạnh đó, động thái quân sự đầy tham vọng của IS, trong đó phải kể đến cuộc tấn công dữ dội vào thị trấn Kobani, gần biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ, và việc sử dụng những phương tiện quân sự hiện đại khiến nhóm này càng trở nên phụ thuộc vào nguồn cung nhiên liệu.
"Năng lượng đóng vai trò cốt lõi trong các chiến dịch quân sự của IS, vì thế, đánh vào nguồn tài nguyên và các xe dầu chắc chắn sẽ gây cản trở đối với sự phát triển của chúng", Luay al-Khatteeb, Giám đốc Viện Năng lượng Iraq cho biết. Ông ước tính tổng lượng dầu tinh chế mà IS cần, gồm cả phần dùng cho việc phát điện và đi lại của người dân, lên tới khoảng 170.000 đến 200.000 thùng một ngày, vượt xa khả năng của nhóm.
Cùng lúc với các cuộc không kích, hoạt động dầu mỏ của IS cũng gặp khó khăn bởi những hành động quyết liệt gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ. Sau nhiều tháng dường như nhắm mắt làm ngơ trước hành vi buôn lậu dầu qua biên giới của IS, nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu tiến hành truy quét những đường dây này. Theo báo cáo, tại một số khu vực, hoạt động buôn lậu dầu giảm tới 80% nhờ biện pháp cứng rắn của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy chiến dịch quân sự của Mỹ đã hoàn toàn chặn đứng đế chế kinh doanh dầu mỏ phi pháp của IS. Wall Street Journal dẫn thông tin từ một chiến binh IS cho biết việc sản xuất và lọc dầu vẫn tiếp diễn bất chấp các động thái quân sự.
Trên lý thuyết, IS cũng có thể tái xây dựng các cơ sở lọc dầu đã bị tàn phá. Theo Marcel, một nhà máy kiểu này có thể được khôi phục trong 10 ngày với giá khoảng 230.000 USD, trong điều kiện nhóm khủng bố có đầy đủ thiết bị.
Quan chức Bộ Tài chính thừa nhận triệt phá các mối buôn lậu dầu nhỏ lẻ khó khăn hơn nhiều so với việc theo dấu nguồn thu tài chính bất hợp pháp của IS. Một cựu quan chức Bộ Ngoại giao nhận định, chỉ bằng cách tấn công IS ở trên bộ, Mỹ và đồng minh mới đảm bảo dập tắt vĩnh viễn mọi hoạt động kiếm tiền của IS.
Vũ Hoàng (theo Foreign Policy)