Trong chiến dịch đánh chiếm miền bắc Syria và Iraq, IS sử dụng đạn dược và vũ khí từ chính Mỹ và các nước hỗ trợ lực lượng an ninh khu vực chiến đấu chống lại nhóm này.
Theo New York Times, Nhóm Nghiên cứu Vũ trang của Anh đã gửi các điều tra viên tới vùng giao tranh để xác định chủng loại và nguồn gốc các loại vũ khí IS sử dụng. Báo cáo mới nhất của nhóm, được tài trợ bởi Liên minh châu Âu (EU), liệt kê xuất xứ của1.730 vỏ đạn của IS mà nhóm nghiên cứu thu được trong tháng 7 và tháng 8 tại miền bắc Iraq và Syria. Đây là số đạn do lực lượng người Kurd chiếm được từ IS, và do các điều tra viên thu thập các vị trí chiến đấu cũ của nhóm cực đoan.
Trong 1.730 vỏ đạn này, mẫu lâu đời nhất được sản xuất vào năm 1945 và mẫu gần đây nhất được sản xuất trong năm nay. Hầu hết số này là loại đạn cho súng trường và súng máy, chỉ có một ít là cho súng ngắn.
Sau khi kiểm tra, các điều tra viên xác định được số đạn này có nguồn gốc từ 21 quốc gia. Hơn 80 phần trăm số đạn xuất xứ từ Trung Quốc, Liên Xô, Mỹ, Nga hoặc Serbia. Phân tích của nhóm nghiên cứu cho thấy nhiều viên trong số này này vốn thuộc sở hữu của lực lượng an ninh trong khu vực.
Theo James Bevan, Giám đốc nhóm Nghiên cứu Xung đột Vũ trang, loại đạn lâu đời của Liên Xô mà IS sử dụng có thể vốn thuộc về quân đội Syria, nước từ lâu đã nhận được hỗ trợ từ điện Kremlin. "Chúng tôi thu thập được rất nhiều đạn dược của lực lượng an ninh Iraq và quốc phòng Syria. Chúng có thể bị IS chiếm được trên chiến trường", ông Bevannói.
Khá nhiều lượng đạn mà IS sử dụng thuộc loại Mỹ cung cấp cho quân đội và cảnh sát Iraq trong gần một thập kỷ, sau khi Mỹ bắt đầu can thiệp vào tình hình nước này vào năm 2003. Trong số 1.730 vỏ đạn, có 323 vỏ, tương đương gần 19 phần trăm có xuất xứ từ Mỹ. Đó là loại đạn kích cỡ 5,56 mm thông thường, được sản xuất từ năm 2005-2007 tại nhà máy Đạn Quân đội Lake City, Missouri.
Ngoài ra, còn có147 vỏ mang nhãn hiệu WOLF của công ty Sporting Supplies International, một công ty Mỹ bán vũ khí do Nga sản xuất dưới thương hiệu riêng của mình và 445 vỏ có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Các điều tra viên cũng tìm thấy một số vỏ đạn từ Iran, bao gồm cả loại được sản xuất gần đây nhất là vào năm 2013. Iran đã hỗ trợ cho của chính phủ do người Shiite lãnh đạo ở Iraq. Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh nếu Iran cố tình chuyển giao vũ khí cho Iraq, nước này sẽ vi phạm Nghị quyết được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua vào năm 2006, cấm Iran xuất khẩu vũ khí.
Theo IBTimes, ngoài đạn dược, IS đã chiếm xe tăng của phiến quân Syria, ví dụ như T-72, một thiết kế tương đối hiện đại của Liên Xô và T-55, một mẫu xe đã lỗi thời từ Thế chiến II. Nhóm này cũng chiếm được các khẩu súng trường và súng bắn máy bay do Trung Quốc sản xuất từ tay quân đội Iraq và Syria. Cả hai quốc gia được cho là đã mua trực tiếp từ Trung Quốc hơn một thập kỷ trước, theo Cẩm nang quân đội và Pháo binh năm 2003 và 2004 của Jane's, một công ty xuất bản của Anh chuyên về quân sự.
Theo Brown Moses, một trang blog có trụ sở tại Anh, tổ chức hàng đầu về nghiên cứu vũ khí trong cuộc nội chiến Syria, IS đã lấy được được bệ phóng tên lửa, súng phóng lựu và súng máy M60 sản xuất tại Mỹ từ Croatia thông qua Arab Saudi. Theo người sáng lập blog Eliot Higgins, sau khi được bán cho Arab Saudi, vũ khí được chuyển đến đến Thổ Nhĩ Kỳ bằng đường hàng không, sau đó được nhập lậu vào Syria bằng đường bộ và bán cho IS.
Thủ đoạn chiếm dụng
Các dữ liệu nghiên cứu cho thấy đạn dược được cung cấp cho chính quyền Syria và Iraq để giúp ổn định tình hình tại đây lại rơi vào tay các chiến binh IS, tiếp tay cho sự trỗi dậy và sức mạnh chiến đấu dai dẳng của nhóm cực đoan. Phần lớn số này do IS chiếm được khi giao tranh.
"Bài học rút ra ở đây là các lực lượng an ninh và quốc phòng trong khu vực đã được các quốc gia khác cung cấp đạn được, nhưng lại không có khả năng giữ chúng", ông Bevan cho biết.
Ông Bevan cho rằng việc trang bị vũ khí cho các đại diện khu vực là "một sự mạo hiểm khó khăn. Lực lượng an ninh yếu kém khiến việc này đối mặt với rủi ro lớn".
Các chiến binh IS đã chứng minh chúng rất khôn khéo trong việc tìm cách gia tăng vũ khí khi mở rộng khu vực kiểm soát. Theo các nhà phân tích và các đối thủ của phiến quân Hồi giáo, IS lấy vũ khí từ các nhóm chống chính phủ Syria đã gia nhập hàng ngũ tổ chức này. Ngoài ra, IS còn thu mua từ các phiến quân Syria được nước ngoài tài trợ. Một chỉ huy phiến quân Syria cho biết IS thường tính toán sẵn khả năng sẽ giành được chiến lợi phẩm gì khi chọn địa điểm và thời gian chiến đấu.
"Khi chống lại quân đội Syria, IS sẽ chọn chiến đấu tại một trận đánh và một mặt trận cụ thể, họ chỉ tham chiến khi nào có nguồn lợi hấp dẫn, ví dụ như có cơ hội chiếm dụng nhà kho", Fouad al-Ghuraibi, chỉ huy lực lượng Lữ đoàn Kafr Owaid’s Martyrs ở bắc Syria, cho biết.
Ông Ghuraibi cũng nói thêm sau khi các chiến binh IS chiếm giữ một căn cứ không quân của Syria gần Hama vào năm ngoái, họ cần một đội xe tải hạng nặng để di chuyển số lượng vũ khí và đạn dược đoạt được.
Không chỉ có vậy, IS còn tịch thu vũ khí từ các tù binh, và thậm chí còn mua chuộc và giao dịch với chính các thành viên của lực lượng an ninh tại Syria và Iraq.
Ngoài ra, James Carafano, phó nhóm Nghiên cứu Chính sách Quốc phòng và Đối ngoại, tổ chức Heritage tại Mỹ, cho biết IS có thể đã thâm nhập vào các căn cứ của Iraq ở Mosul để tiếp cận với vũ khí hiện đại của Mỹ. "Họ dường như đã lấy đủ số vũ khí từ Mỹ của quân đội Iraq ở Mosul để tăng cường lực lượng trong một thời gian dài", ông Carafano nói.
Theo Peter Wezeman, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, không có bằng chứng cho thấy IS được một nhà nước cung cấp vũ khí trực tiếp. Tuy nhiên, nguồn thu dồi dào từ dầu khí và các nguồn khác có thể giúp nhóm này trực tiếp mua vũ khí từ các công ty và các đại lý muốn kiếm lợi từ xung đột tại Trung Đông.
Ông Carafano nhận định rằng có thể một mạng lưới nhà buôn bán vũ khí tư nhân đã tiếp tay cho IS. Việc vận chuyển vũ khí giữa Đông Âu, quốc gia vùng Vịnh và Trung Đông không phải là chưa có tiền lệ.
"Giao dịch này thường do các cá nhân làm việc cho các công ty vũ khí tư nhân thực hiện, vì vậy, họ đã có sẵn kinh nghiệm trong ngành hậu cần và vận chuyển".
Phương Vũ (Theo NY Times/ IBTimes)