Những ngày đầu tháng ba, Vũ Phương Thanh (Thanh Vũ) sinh năm 1990 tại Hà Nội, - nữ runner Việt đầu tiên chạy qua 4 sa mạc - lập kế hoạch tham gia những cuộc đua "khó nhằn" hơn ngay khi các đường bay quốc tế mở trở lại. Thanh cho biết mơ thành "Người Việt bền bỉ nhất thế giới". Mục tiêu này kéo dài suốt đời, không hồi kết.
"Nhiều người hỏi tôi sẽ chạy tới bao giờ và để làm gì? Tôi khẳng định tiếp tục chạy, bơi, đạp xe hay theo đuổi những thử thách khác cho tới lúc không thể. Thực ra, ai cũng là 'chiến sĩ bền bỉ trong lĩnh vực của mình, có thể là hôn nhân, sự nghiệp... Về phần mình, tôi sẽ khám phá và hoàn thành các thách thức sức bền kỳ lạ toàn cầu. Trên hành trình ấy, tôi mong chia sẻ dấu ấn Việt Nam", cô nói thêm.
Mơ ước chinh phục các giải siêu marathon
Các giải chạy siêu khắc nghiệt là mục tiêu của Thanh Vũ. Cô nói chắc chắn sẽ tham gia Ultra Trail Mont Blanc, TOR 330 (tiếp đó là TOR 450); các giải siêu marathon 250 km tại rừng Amazon; 250 km tại Bhutan; 250 km Marathon Des Sables ở sa mạc Morocco; Badwater Ultra 135 dặm ở Death Valley (Thung lũng Chết, Mỹ); 700 km vùng Bắc Cực tại Yukon Canada; Swiss Ultra (10 Ironman 140.6 dặm trong 10 ngày)... Ngoài ra, cô còn muốn chinh phục những ngọn núi cao hơn 6.000 m, 7.000 m...
"Tôi phải chuẩn bị cả tinh thần lẫn sức khỏe để từng bước tiến tới các mục tiêu lớn. Tuy nhiên nói một cách đơn giản, để trở thành người bền bỉ nhất, tôi nghĩ mình phải yêu hành trình hơn đích đến. Trong lúc vượt thử thách, tôi mong mình có thể truyền cảm hứng cho mọi người, giúp họ mạnh mẽ đối diện thử thách đời mình", nữ runner nói thêm.
Tất cả dự kiến của Thanh Vũ buộc gác lại vì Covid-19. Trong đó, giải Ultra Trail Mont Blanc (Đại hội chạy Địa hình Quốc tế) mà cô phải tích điểm liên tục suốt 5 năm qua để đủ tiêu chuẩn bốc thăm hàng năm - vẫn chưa hoàn thành; Tor Des Geants (chạy 330 km trong 150 tiếng qua dãy Alpen, vùng Aosta của Italy) và nhiều giải siêu marathon, đa chặng, hỗ trợ khắp thế giới... cũng tạm hoãn vô thời hạn. Nỗi buồn không thể tham gia các đường đua khó ở nước ngoài tạm lắng khi, nữ runner giành phần lớn thời gian hồi phục chấn thương lớn, nhỏ. Cô kiên trì chạy, đạp xe và bơi lội để giảm tác động tới gối. Chủ nhật, Thanh Vũ có thể đạp xe 10 tiếng trong nhà, bơi 10 km ở bể dài 30 m. Đây cũng là lúc cô duy trì sự nhẫn nại, sức bền và phát triển kỹ năng mới cho mục tiêu tương lai.
Những cuộc đua không tưởng
Thanh Vũ từng du học ở Singapore, Canada và Anh trước khi quay lại Singapore làm cho hãng phân tích tài chính Bloomberg. Tuy nhiên sau đó cô đổi hướng, tìm đến những thử thách mới hơn.
Năm 2016, cô chinh phục giải chạy siêu bền đa chặng 1.000 km trên 4 sa mạc khắc nghiệt nhất hành tinh gồm: Namib ở Namibia (châu Phi); Gobi (sa mạc gió lớn nhất thế giới, thuộc châu Á); Atacama (sa mạc khô nhất) ở châu Nam Mỹ; châu Nam Cực - nơi lạnh nhất thế giới. "Tôi hạnh phúc khi trở thành người phụ nữ châu Á đầu tiên làm được điều đó, ở tuổi 26", cô nói.
Đến nay, Thanh Vũ đã hoàn thành các giải chạy siêu bền đa chặng trên cả bảy lục địa: châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Australia, châu Phi và châu Nam Cực. Cô gái 9X này cũng góp giày ở nhiều sân chơi khác như: chạy 522 km qua sa mạc ở Australia năm 2017; 230 km ở Bắc Cực năm 2018; 273 km qua dãy Canyon tại Bắc Mỹ; 170 km qua cung đường tỉnh Solukhumbu, đỉnh Everest năm 2019...
Thanh Vũ cho biết đặc biệt ấn tượng với giải Atacam Crossing tại Chile năm 2015 - đường chạy 250 kéo dài 6 chặng 7 ngày, vận động viên phải mang tư trang và đồ ăn bởi người đàn ông hơn 60 tuổi, dùng một chân giả sau tai nạn 30 năm trước, quyết tâm chinh phục từng cây số. Trong chặng hai kéo dài 44 km, Thanh từng nản lòng vì trưa bỏng rát; không khí khô, loãng, dốc cát trải dài, tuy nhiên, khi dừng lại tĩnh tâm, nghỉ lấy hơi thì nghe tiếng lách cách người đàn ông tập tễnh leo dốc, miệt mài tập trung con đường của mình mà không ngó nghiêng xung quanh, Thanh bừng tỉnh. "Khoảnh khắc đó in đậm tâm trí, mỗi khi nản chí, tuyệt vọng vì điều gì đó, tôi lại nhớ lại hình ảnh của bác để động viên mình cố gắng hơn", cô nói.
Yếu tố duy trì sự bền bì
Theo Thanh, đa phần mọi người nghĩ sự bền bỉ đến từ thể chất nhưng với cô, yếu tố này chỉ khoảng 20%, còn ý chí đến từ sự kiên nhẫn, lòng biết ơn (với hoàn cảnh, dù mệt mỏi, kiệt quệ thế nào) và khát khao chiếm đến 80%.
Có nhiều tình huống, nữ vận động viên không nghĩ mình có thể tiếp tục như chặng thứ chín trên sa mạc đỏ tại Australia, đầu gối tụ nhiều dịch, chân phù lên vì chặng đường gần 400 km suốt tám ngày, cô tưởng như giày sắp bung khi nhích từng bước. Thanh khóc vì nghĩ phải bỏ cuộc trong ngày cuối cùng. "Khi thấy mặt trời hiện lên ở chân trời, thay vì đau đớn và buồn bã, bực bội, tôi lại thấy biết ơn. Tôi nhận ra mình may mắn có mặt tại đây, trong giây phút này, dù xung quanh là đồng không mông quạnh... Lòng biết ơn tiếp sức tôi trong bối cảnh kỳ lạ nhưng huyền diệu. Tôi cũng nghĩ đến những tấm gương nghị lực mình từng gặp. Cứ thế, tôi hoàn thành 137 km trong 24 tiếng 40 phút. Chính ý chí, quyết tâm không bỏ cuộc giúp tôi chiến thắng, không phải thể chất. Đến nay, đó vẫn là một trong những lần chạy tuyệt vời nhất", Thanh kể.
Về thể chất, Thanh Vũ nhấn mạnh việc bổ sung nước và chất điện giải thiết yếu... Khi tham gia Ultra Trail Mont Blanc năm 2017, sau 143 km cùng 38 tiếng liên tục chạy, leo qua hàng chục dãy đồi, gió, tuyết và mưa lạnh, cô quá mệt mỏi, dần lơ là những điều cơ bản phải làm, 9X kể lạnh tới nỗi ngưng uống nước và nạp điện giải dạng lỏng (có thêm calo).
Sơ suất về nạp nước, muối và điện giải dẫn tới tình trạng hyponatremia (hạ natri huyết, tức nồng độ Natri+ trong máu xuống thấp). Khi vận động cường độ cao, mồ hôi đổ ra nhiều khiến cơ thể mất khoáng chất, nhất là lượng muối. Trong đó, Natri và Chloride cần thiết để cân bằng hoạt động của cơ thể. Theo Thanh Vũ, hạ Natri huyết rất nhẹ có thể không triệu chứng; nghiêm trọng hơn gây đau đầu, buồn nôn, giảm khả năng suy nghĩ hoặc mất thăng bằng. Ở mức độ nguy hiểm dẫn đến rối loạn, co giật và hôn mê.
Khi cách đích không xa, nữ vận động viên gần như bất tỉnh, may mắn được đội ngũ bác sĩ chuyên nghiệp của giải cấp cứu kịp thời. Nhờ thời tiết tốt, trực thăng cứu hộ đã đưa cô rời đỉnh núi đến bệnh viện. Sau biến cố này, Thanh chú ý các thức uống bổ sung nước và chất điện giải như Potassium (K+), Sodium (Na+), Chloride (Cl)... để cân bằng, bổ sung khoáng chất, giúp có thể duy trì sự vận động bền bỉ và dẻo dai... khi tập luyện, chinh phục các thử thách khắc nghiệt.
Với kinh nghiệm có được khi chinh phục các đường đua quốc tế, Thanh Vũ khuyên mỗi vận động viên luôn đặt 3 mục tiêu sau lên đầu: giữ an toàn cho bản thân, hoàn thành cự ly và hoàn thành với tinh thần vui vẻ. Các mục tiêu khác về thời gian hay xếp hạng, hãy tùy theo khả năng của bản thân.
Thi Quân