Từ lúc được đề cử vào danh sách nữ hoàng dạ hội của trường liên cấp Olympia, thành phố Orlando, bang Florida, Mỹ, Bialosuknia vẫn giữ niềm tin rằng mình sẽ đăng quang nhưng cô cố gắng kiềm chế hy vọng.
"Tôi rất hào hứng khi được lọt vào danh sách đề cử nữ hoàng ngày dạ hội trường, song cũng rất hồi hộp, dù có thắng hay không. Nếu mọi người bầu chọn chỉ để giễu cợt tôi thì sao?", nữ sinh 17 tuổi chia sẻ với CNN. "Nhiều người ngày nay rất tàn nhẫn. Bạn không bao giờ biết được chuyện gì sẽ xảy ra".
Nhưng nỗi sợ hãi đó đã tan biến khi Bialosuknia nghe thấy những tiếng vỗ tay vang dội lúc tên cô được xướng lên trong dạ hội của trường hồi cuối tháng 9. Bialosuknia được bầu làm nữ hoàng dạ hội trường, trở thành học sinh chuyển giới đầu tiên được đội vương miện tại trường phổ thông liên cấp Olympia.
Bialosuknia chia sẻ chiếc vương miện đã khiến cô cảm thấy thoải mái hơn khi đến trường và sự ủng hộ của bạn bè cho Bialosuknia thấy rằng hầu hết họ đều nhìn nhận cô như chính con người cô.
"Nó giống như mọi lo lắng của tôi trong phút chốc đều được giải tỏa", Bialosuknia cho hay. "Cảm giác như tất cả mọi người đều ở bên cạnh và họ ở đây vì tôi".
Bialosuknia tự tin về chính mình hơn bất kỳ học sinh 17 tuổi nào. Nhưng sự tự tin ấy không phải tự nhiên mà có, Marine, mẹ Bialosuknia, cho hay. Quá trình chuyển giới của cô là một chặng đường "dai dẳng và đầy khó khăn" nhưng gia đình đang nỗ lực hỗ trợ Bialosuknia vượt qua.
Kể từ khi đăng quang, Bialosuknia ngập trong những tin nhắn động viên, ủng hộ và tự hào từ bạn bè. Cô cũng nhận được cả tin nhắn thù ghét, chê bai nhưng Bialosuknia nói rằng những người gửi chúng "không hiểu và sẽ không bao giờ hiểu" được cô.
"Tôi giành chiến thắng không phải để cố thay đổi suy nghĩ của bất kỳ ai hay khiến họ chấp nhận tôi", Bialosuknia cho biết. "Nó chỉ chứng tỏ rằng ai cũng có thể làm mọi thứ họ muốn và nếu bạn thuộc cộng đồng LGBTQ+, điều đó không khiến bạn trở nên kỳ quặc hơn hay cô đơn hơn những người khác".
Marnie Bialosuknia cho biết bà rất xúc động khi con mình được chọn là nữ hoàng dạ hội trường nhưng thừa nhận rằng nhiều thanh thiếu niên chuyển giới khác không nhận được đồng cảm giống như Evan.
Một nghiên cứu năm 2019 của Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) ước tính chỉ chưa đầy 2% học sinh trung học nước này là người chuyển giới. Mặt khác, học sinh chuyển giới còn có nguy cơ bị bạo lực và quấy rối cao hơn so với học sinh hợp giới.
Người hợp giới là thuật ngữ dùng để chỉ những người có bản dạng giới đồng nhất với giới họ được chỉ định khi sinh ra. Ví dụ, một người nhìn nhận bản thân là nữ và được coi là nữ sau sinh thì được gọi là người phụ nữ hợp giới.
"Tôi mong rằng có thể sau 5 năm nữa, việc này sẽ không còn là điều gì quá mới mẻ", bà nói. "Evan là người đầu tiên nhưng sẽ không phải người cuối cùng".
Gương mặt Bialosuknia trông rạng rỡ trong những đoạn video quay sau khi đăng quang. Lúc tên mình được xướng lên, Bialosuknia đã tiến đến những ứng viên khác và ôm lấy họ trong lúc họ cổ vũ nhiệt tình cho cô.
Ban nhạc diễu hành đang xếp đội hình trên sân bóng của trường cũng vỗ tay không ngớt. Bialosuknia nhẹ nhàng cúi người xuống để một thành viên trong ban tổ chức đội vương miện lên đầu. Nụ cười luôn nở trên môi Bialosuknia.
"Nếu bạn thể hiện mình là một người mạnh mẽ, hướng ngoại, xinh đẹp thì đó sẽ là cách mà mọi người nhìn bạn", Bialosuknia chia sẻ. Đây là lời khuyên mà cô luôn tự dặn chính mình và bằng cách lan tỏa thái độ sống tự tin, tích cực, Bialosuknia cũng sẽ cảm nhận được nó.
Vũ Hoàng (Theo CNN)