Giới chức Malaysia buộc tội cô "xúc phạm đạo Hồi" và mặc trang phục nữ. Ngày 18/10, Nur Sajat, doanh nhân chuyển giới từ nam thành nữ, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, thông báo đã trốn sang Australia để thoát khỏi nguy cơ bị bỏ tù tại quê hương ở bang Selangor.
"Đến tị nạn tại Australia, tôi cảm thấy như được bảo vệ để trở thành con người thật của chính mình, được tự do", Nur Sajat trả lời trong một cuộc phỏng vấn với NY Times. "Tôi cảm thấy bị mắc kẹt trong chính đất nước mình, nơi tôi sinh ra, bởi luật pháp ở đó đã tội phạm hóa tôi và coi tôi như một người đàn ông".
Malaysia sử dụng hệ thống "luật pháp kép", thực hiện song song luật dân sự và luật Hồi giáo khi xử lý các vấn đề về cá nhân hay gia đình. Người Hồi giáo, chiếm hơn 50% dân số, phải tuân theo luật Sharia. Những người không theo đạo Hồi bị ràng buộc bởi luật dân sự. Dù một số luật nghiêm ngặt hơn của Sharia hiếm khi được thực thi, chính phủ Malaysia, vốn nhận được ủng hộ từ những người Mã Lai theo đạo Hồi của nước này, đang thắt chặt hơn các quy định nhằm vào người chuyển giới và đồng tính.
"Chính phủ rất nghiêm túc về vấn đề người thuộc cộng đồng LGBT bởi Malaysia là một quốc gia tuân theo đạo Hồi", Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob tháng trước nói, không lâu sau khi ông tuyên thệ nhậm chức. "Bất kỳ cá nhân nào vi phạm pháp luật đều phải chịu hậu quả. Tuy nhiên, đồng thời, họ cần được hướng dẫn và giáo dục để có thể trở lại con đường đúng đắn".
Nếu theo những hướng dẫn đó, ít nhất là Nur Sajat sẽ bị đưa vào trại cải tạo dành cho người chuyển giới, các quan chức Hồi giáo cho biết. Hôm 19/10, Idris Ahmad, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề tôn giáo, đã đưa ra đề nghị như vậy, cho rằng nó phù hợp hơn với Nur Sajat thay vì bỏ tù cô.
Không rõ vì sao ba năm sau khi Nur Sajat chủ trì buổi cầu nguyện trong trang phục nữ giới, các cáo buộc chống lại cô mới được đưa ra. Nur Sajat, người điều hành doanh nghiệp kinh doanh quần áo và dịch vụ chăm sóc sức khỏe, cho hay cô thường xuyên tổ chức những sự kiện như vậy và quyên góp một phần thu nhập của mình cho các tổ chức từ thiện, theo phong tục Hồi giáo.
"Tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình Hồi giáo nên tôi được dạy làm mọi thứ theo cách của người đạo Hồi", cô nói.
Hồi tháng một, Nur Sajat nhận được lệnh triệu tập từ cơ quan phụ trách tôn giáo của bang Selangor, nơi cô đặt cơ sở kinh doanh chuyên về chăm sóc sức khỏe và xây dựng lối sống của mình. Lệnh triệu tập này luôn gây sợ hãi cho những người chuyển giới ở Malaysia. Cùng với một số bạn bè và gia đình, Nur Sajat đến gặp các quan chức tại cơ quan Hồi giáo. Họ nói rằng đã nhận được những lời phàn nàn về cô.
Theo lời Nur Sajat, khi đó, ít nhất ba người đàn ông đã đá và ghì cô xuống. Họ thậm chí còn bóp ngực cô. Cùng ngày, cô bị bắt và bị buộc tội tại tòa án Sharia. Cô bị giữ lại qua đêm tại một trại giam dành cho nam.
Mẹ Nur Sajat, người chứng kiến sự việc, đã đối mặt với một sĩ quan và hỏi rằng tại sao một người Hồi giáo ngoan đạo có thể làm những việc như thế. Anh ta trả lời rằng vì Nur Sajat là đàn ông nên không sao cả.
"Họ nghĩ có thể chạm vào vùng kín và ngực của tôi vì họ coi tôi là nam giới", Nur Sajat nói. "Họ không đối xử với tôi bằng chút lòng nhân ái hay tình người nào".
Sau sự việc, Nur Sajat đã khiếu nại với cảnh sát, nhưng từ đó đến nay, không có bất kỳ hành động hay lời giải thích nào được đưa ra.
Hoảng sợ, Nur Sajat bỏ trốn sang nước láng giềng Thái Lan vào tháng hai và sau đó bị kết tội nhập cảnh bất hợp pháp. Với tội này, cô có thể bị dẫn độ về nước và chính quyền Malaysia tuyên bố rõ rằng họ muốn cô trở lại.
Nhưng tháng này, Nur Sajat đã lặng lẽ rời khỏi Thái Lan và cuối cùng đặt chân đến Australia, nơi những người chuyển giới Malaysia khác đã được tái định cư thông qua quy trình tị nạn của Liên Hợp Quốc.
Dưới liên minh chính phủ hiện nay ở Malaysia, người chuyển giới đang bị nhắm mục tiêu một cách gay gắt hơn. Một quan chức tôn giáo hàng đầu đất nước từng khuyến khích giới chức Hồi giáo của quốc gia bắt những người chuyển giới. Hồi tháng 9, một hội đồng đạo Hồi ở bang Perlis ban hành lệnh cấm người chuyển giới vào nhà thờ Hồi giáo.
Tính đến giữa năm nay, hơn 1.700 người đã bị ép tham gia một "trại tinh thần" do chính phủ điều hành nhằm chống lại những "xu hướng giới tính trái tự nhiên", theo thống kê của chính phủ Malaysia.
Các tòa án Sharia có quyền ban hành hình phạt quất roi với những người Hồi giáo có hành vi quan hệ tình dục đồng giới nhưng suốt nhiều năm, hình thức trừng phạt này không được áp dụng. Song vào năm 2018, hai phụ nữ đã bị trừng phạt nặng nề về thể xác vì quan hệ tình dục đồng giới tại bang bảo thủ Terengganu. Một năm sau, 5 người đàn ông bị phạt quất roi tại bang Selangor với cùng tội danh.
Nur Sajat hồi đầu năm đăng một video lên mạng xã hội đặt câu hỏi liệu cô có nên từ bỏ tôn giáo của mình hay không. Cô sau đó xóa đoạn video này và cho biết trong cuộc phỏng vấn với NY rằng lúc bấy giờ cô đang ở trong trạng thái lo lắng vì bị các quan chức tôn giáo gây sức ép. Từ bỏ đạo Hồi có thể bị coi là một tội ác tại Malaysia.
"Đó là vấn đề cá nhân và tôi có quyền riêng tư của mình", Nur Sajat nói.
Idris, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề tôn giáo, tháng trước nói rằng nếu Nur Sajat "nhận tội" và "trở về với bản chất tự nhiên" thì sẽ "không có bất kỳ vấn đề gì".
"Chúng tôi không tìm cách trừng phạt, chúng tôi hướng tới giáo dục nhiều hơn", ông cho biết thêm.
Nur Sajat điều hành một công ty kinh doanh quần áo, dịch vụ chăm sóc da và chăm sóc sức khỏe. Sự xuất hiện của cô trong một chương trình truyền hình thực tế đã đưa Nur Sajat vào danh sách những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội của Malaysia.
Năm ngoái, cô hành hương tới Thánh địa Mecca và ghi lại hành trình của mình trên Instagram, làm dấy lên tranh cãi trong một số cộng đồng giáo sĩ Malaysia. Một quan chức cho rằng cô đã "làm vấy bẩn đạo Hồi" khi mặc trang phục cầu nguyện nữ.
Năm 2019, giới chức tôn giáo đã cố gắng bắt Nur Sajat kiểm tra thể chất để xác định giới tính, song cô từ chối.
Những người chuyển giới khác tại Malaysia cho hay họ cảm thấy lo lắng trước sự gắt gao của cơ quan tôn giáo quốc gia đối với Nur Sajat.
"Bản thân tôi, khi đến lúc, tôi cũng sẽ rời đi", Shika Corona, một nhạc sĩ chuyển giới, chia sẻ.
Từ Australia, Sajat cho biết cô phải ra quyết định từ bỏ công việc kinh doanh thành công của mình "trong chớp mắt". Cô nhớ gia đình nhưng không tìm thấy bất kỳ cách nào để quay trở lại Malaysia trừ khi luật nhắm vào người đồng tính và người chuyển giới được bãi bỏ.
"Tôi bị mắc kẹt và dồn vào chân tường ở Malaysia vì hệ thống luật Sharia", cô nói. "Chính bản thân tôi cũng như sự tồn tại của tôi bị người ta đặt câu hỏi. Nhưng tôi rất kiên định về thân phận phụ nữ của mình. Đây chính là tôi".
Vũ Hoàng (Theo NYTimes)