Một số người qua đường trợn mắt chỉ trỏ Chao Xiaomi, 38 tuổi, nhưng cô không hề bối rối, tiếp tục mỉm cười trước ống kính và thể hiện vẻ tự tin. Người chụp ảnh cho Chao là Zhang Shaokang, nhiếp ảnh gia nổi tiếng trong cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính, chuyển giới, phi giới tính, đang trong giai đoạn tìm hiểu và không phải nam cũng không phải nữ...).
Buổi chụp hình nằm trong chiến dịch tuyên truyền mà Chao Xiaomi thực hiện trong năm nay, sau khi trở thành một trong những người nổi tiếng đầu tiên ở Trung Quốc công khai bản dạng giới là phi nhị giới.
Ước tính có 4 triệu người chuyển giới ở Trung Quốc, nhưng cộng đồng này hiếm khi xuất hiện trên các phương tiện truyền thông chính thống và đối mặt với phân biệt đối xử sâu sắc, nhất là ở công sở, nơi hơn 40% người chuyển giới Trung Quốc cảm thấy buộc phải che giấu bản dạng giới.
Những người phi nhị giới là những người không xác định được mình là nam hay nữ, thậm chí còn đối mặt kỳ thị lớn hơn. Nhưng Xiaomi đang cố gắng thay đổi thái độ của xã hội thông qua sức ảnh hưởng của mình trên mạng xã hội.
Quê ở tỉnh Sơn Tây, phía bắc Trung Quốc, Xiaomi sinh ra là nam nhưng xác định mình là người phi nhị giới trong hơn một thập kỷ. Cô lấy biệt danh là Xiaomi (Tiểu Mễ), nghĩa là hạt gạo nhỏ trong tiếng Trung Quốc, như một lời nhắc nhở hãy ngẩng cao đầu bất chấp sự coi thường của người khác.
"Nếu tôi đeo khẩu trang, sẽ không ai để ý đến", Xiaomi nói. "Nhưng ngay khi tôi tháo khẩu trang, ai cũng gọi tôi là quái vật, nguyền rủa tôi chết đi".
Xiaomi phải mất nhiều năm mới cảm thấy đủ thoải mái để cởi mở bản dạng giới của mình. Cô công khai từ năm 2016, khi là một trong những người chuyển giới đầu tiên xuất hiện trên một chương trình truyền hình. Nhưng khi đó, Xiaomi cố hóa trang thành nữ, trang điểm kỹ càng và mặc váy dài, che đi mọi góc nam tính trên ngoại hình.
Sau khi nhiều người hâm mộ viết thư bày tỏ muốn trở thành người phụ nữ thanh lịch giống Xiaomi, cô bắt đầu cảm thấy không ổn. "Tại sao lúc nào phụ nữ cũng phải thanh lịch? Tại sao không thể thô kệch và nam tính?" Xiaomi nghĩ.
Từ đó, cô ngừng cố gắng trở thành một phụ nữ. Xiaomi không còn trang điểm đậm, để râu rậm và chỉ cạo khi thích.
"Bây giờ tôi không phải phụ nữ cũng không phải đàn ông, nhưng điều này không ngăn cản tôi làm những việc mình thích trong một giới tính cụ thể", Xiaomi nói. "Tôi tự tin vượt qua chướng ngại tâm lý hơn là thể chất. Tôi yêu bản dạng giới mới của mình".
Nhà hoạt động vì cộng đồng LGBT này chia sẻ trải nghiệm của mình khi sống trong bản dạng phi nhị giới với hàng nghìn người theo dõi trên mạng xã hội Weibo. Bằng cách này, cô hy vọng người dân Trung Quốc sẽ hiểu rõ hơn về cộng đồng LGBT, cũng như hướng dẫn cho nam nữ thanh niên đang hoang mang về bản dạng giới của mình.
"Tới tận năm 2015, từ chuyển giới mới được đưa vào từ điển tiếng Hán", Xiaomi nói. "Tôi từng tưởng mình là người đồng tính tới khi đọc quyển 'Thuyết phi nhị giới' của Juidth Butler".
Bộ ảnh hợp tác giữa Xiaomi và Zhang nằm trong dự án nhiếp ảnh "Cùng nhau tốt hơn", ghi lại cuộc sống của cộng đồng LGBT Trung Quốc, thu hút sự chú ý lớn trên Weibo. Nhà hoạt động này chia sẻ loạt ảnh ưa thích gần Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh ngày 11/5 cùng thông điệp gửi tới người hâm mộ.
"Tôi thật may mắn khi được quyền lựa chọn bản dạng giới của mình và bảo vệ nó", Xiaomi viết.
Bài đăng nhanh chóng thu hút hơn 40.000 lượt thích và được nhiều người có ảnh hưởng trong cộng đồng chia sẻ, đồng thời làm dấy lên cuộc tranh luận trong xã hội Trung Quốc về áp lực phải tự nhận mình thuộc một giới tính nhất định và cộng động người chuyển giới nên phản ứng thế nào.
Trong những năm gần đây, Xiaomi tin chắc rằng cộng đồng chuyển giới đang thử vượt qua rào cản giới tính nhị phân. "Đôi lúc tôi cảm thấy thật tệ khi phụ nữ chuyển giới cố gắng bắt chước phụ nữ hợp giới", cô nói.
Quan điểm của Xiaomi đang được coi là tiên phong ở Trung Quốc. Cô được một số người nổi tiếng trong cộng đồng LGBT ủng hộ mạnh mẽ và phong trào giới tính nhị phân đang dần thu hút sự chú ý.
"Chuyển giới nên được coi là một động từ. Đây là cuộc hành trình kỳ diệu vượt ra ngoài khuôn khổ nhị phân (hai giới tính nam và nữ). Xiaomi là một ví dụ xuất sắc về sự chuyển đổi này", Yujue, nhà nhân chủng học bảo vệ nữ quyền, ca ngợi Xiaomi trong bài viết hồi tháng 8.
Lacey Wang, người mẫu chuyển giới đại diện cho Trung Quốc tại cuộc thi Hoa hậu Quốc tế 2020, cũng ấn tượng với vẻ tự tin của Xiaomi. Wang, 32 tuổi, phẫu thuật chuyển giới sang nữ năm 2007, đã bỏ học đại học để hoàn thành loạt bài kiểm tra và điều trị tâm lý mà người chuyển giới bắt buộc phải trải qua trước khi làm thủ tục thay đổi giới tính tại Trung Quốc.
Khi đó, Wang cảm thấy phẫu thuật là cách duy nhất giúp cuộc sống dễ chịu hơn. Nhưng bây giờ, cô tự hỏi phải chăng thời thế đang thay đổi và những người chuyển giới trẻ có nhiều lựa chọn hơn.
"Khi đó tôi không có nhiều lựa chọn, tôi không thể sống trong cơ thể đàn ông nữa, nên phải phẫu thuật chuyển giới, nếu không có lẽ tôi sẽ tự kết liễu đời mình", Wang nói. "Nhưng nếu tôi có cơ hội trò truyện với những nhà tâm lý học vĩ đại, có lẽ tôi sẽ sống hạnh phúc khi phân chia được cơ thể và tâm trí như Xiaomi. Tôi rất ngưỡng mộ cô ấy".
Theo Wang, thái độ trong cộng đồng người chuyển giới đang thay đổi. Ngày càng nhiều người quay lưng với những tiêu chuẩn sắc đẹp truyền thống. Cô cho hay một số thí sinh thi Hoa hậu Quốc tế năm ngoái chưa từng cân nhắc phẫu thuật chuyển giới.
"Bây giờ tôi nói với rất nhiều người bạn chuyển giới của mình rằng họ không cần vội vàng phẫu thuật như tôi", Wang tâm sự. "Áp lực xã hội đóng vai trò then chốt khi bạn ra quyết định".
Tuy nhiên, Wang lo lắng rằng một làn sóng mới của các blogger sắc đẹp đồng tính và các cuộc thi hoa hậu dành cho người chuyển giới có thể tác động tiêu cực tới sự đa dạng giới tính. Trong một cuộc thi khiêu vũ ở Bắc Kinh hồi đầu năm, giám khảo đánh giá thí sinh dựa theo tiêu chí họ thể hiện phẩm chất nữ tính có tốt không, Wang lưu ý.
Cô liên hệ với người tổ chức sự kiện, bày tỏ lo lắng và yêu cầu họ sửa quy tắc nhưng bị bỏ ngoài tai. "Có lẽ tôi không phải là người tốt nhất để giải quyết vấn đề vì tôi đã phẫu thuật chuyển giới nhiều năm trước, nhưng tôi thực sự cho rằng cuộc thi chỉ làm tăng thêm mặc cảm về ngoại hình trong cộng đồng", Wang nói.
Xiaomi từng tham gia thi đấu khiêu vũ cho vui, nhưng cô cũng lo lắng rằng phụ nữ chuyển giới có thể cảm thấy mình phải phù hợp với tiêu chuẩn vẻ đẹp phụ nữ chính thống.
"Tôi tin rằng bản chất của vẻ đẹp là sức ảnh hưởng của nó tới mọi người", Xiaomi nói.
Nhưng những người khác trong cộng đồng LGBT ở Trung Quốc lưu ý rất nhiều người chuyển giới cảm thấy cần ăn mặc trang điểm giống phụ nữ truyền thống để tránh bị xã hội phân biệt đối xử.
Dù dư luận Trung Quốc gần đây cởi mở hơn, cộng đồng LGBT nước này vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Những người Trung Quốc sinh ra trong thập niên 1990 có xu hướng công khai bản dạng giới cao hơn 50% so với những người sinh ra trong thập niên 1970, theo khảo sát của nhóm Voice China LGBT. Nhưng Hua Zile, người sáng lập tổ chức, cho hay nhiều người chuyển giới vẫn chưa thể công khai.
"Một số người có thể cảm thấy 'được chấp nhận' là vấn đề cần thiết hơn là lựa chọn", Hua nói. "Chúng tôi thực sự không thể bảo một người rằng họ cần làm gì. Chúng tôi chỉ có thể dẫn dắt họ tự đưa ra quyết định".
Xiao hiểu rõ hơn ai hết cái giá của việc cởi mở bản dạng giới. Cô từng mặc váy đi xin việc cách đây vài năm nhưng bị ông chủ gọi là "kẻ hư hỏng" và đuổi đi. Xiaomi cho rằng nhu cầu cấp bách hiện nay là cần tạo điều kiện cho giới trẻ Trung Quốc tiếp cận nhiều hơn với các nguồn lực y tế và giáo dục. Người chuyển giới Trung Quốc thường gặp thách thức về sức khỏe tâm thần do xã hội kỳ thị, do áp lực phải che giấu bản dạng giới và thiếu hỗ trợ.
Theo một báo cáo năm 2017, hơn 61% người chuyển giới Trung Quốc từng trải qua nhiều mức độ trầm cảm khác nhau, với hơn 21% có hành vi tự gây tổn thương bản thân và gần 13% từng tìm cách tự tử.
"Tôi ước có nhiều chương trình chăm sóc sức khỏe hơn cho thanh thiếu niên", cô nói. "Các em xứng đáng được hiểu biết đầy đủ trong thời đại mà chúng ta có thể dễ dàng tiếp cận nhiều thông tin lệch lạc trên mạng".
Nhưng bây giờ, Xiaomi đang tập trung vào các vấn đề của bản thân. Cửa hàng quần áo kiểu cổ điển mà cô mở tại Bắc Kinh vài năm nay phá sản vì đại dịch. Xiaomi cần tìm công việc mới.
"Tôi đã quên các kỹ năng chuyên môn cần thiết để làm việc trong những công ty lớn sau vài năm làm việc với tư cách là chủ một cửa hàng độc lập và nhà hoạt động LGBT", Xiaomi nói. "Tôi có rất ít lựa chọn".
Ngồi trong phòng khách nhỏ, nơi nước dột từ mái nhà xuống, Xiaomi vẫn lạc quan về tương lai. "Tôi đang ở dưới đáy về kinh tế, nhưng đang ở đỉnh cao của sự phong phú về tinh thần", cô nói.
Hồng Hạnh (Theo Sixth Tone)