Từ khi đi học, bạn bè thường chọc ghẹo, chê tên quê, lạ, xấu và đặc biệt hay hỏi sao bố mẹ tôi lại đặt tên như vậy. Khi đi làm, tôi luôn rất ngại, tự ti khi giới thiệu tên.
Nhiều người bày cách đổi tên và khẳng định thủ tục dễ lắm. Tôi về xin phép bố mẹ và được đồng ý. Sau đó tôi lên Phòng tư pháp huyện xin đổi, ghi lý do: Tên bị ban bè, đồng nghiệp trêu chọc gây ảnh hưởng tình cảm, cảm xúc, công việc, danh dự bản thân nên mong muốn được đổi.
Nhưng cán bộ giải quyết không chấp nhận, nói lí do này không chính đáng. Họ gợi ý nói lý do là trùng tên với họ hàng thì sẽ dễ được đổi hơn. Thực sự thì tên của tôi lạ nên ko trùng với ai hết. Họ còn nói tôi phải chứng minh lý do đổi tên phải bằng giấy tờ, văn bản.
Tôi thấy rất vô lý vì làm sao tôi có thể chứng minh được bạn bè trêu chọc từ khi còn học cấp một. Tôi rất buồn vì bị từ chối đổi tên. Xin luật sư tư vấn giúp tôi, trong trường hợp này cơ quan từ chối đổi tên cho tôi có đúng không? Tôi phải làm thế nào để được đổi tên?
Luật sư tư vấn
Theo Điều 26 của Bộ luật Dân sự, họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có) của mỗi cá nhân gắn liền với quyền nhân thân của người đó. Cá nhân xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự theo họ, tên của mình.
Điều 28 Bộ luật này quy định cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong trường hợp sau:
a) Theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó;
b) Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt;
c) Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con;
d) Thay đổi tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;
đ) Thay đổi tên của vợ, chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại tên trước khi thay đổi;
e) Thay đổi tên của người đã xác định lại giới tính, người đã chuyển đổi giới tính;
g) Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.
Như vậy, việc yêu cầu đổi tên của bạn không thuộc một trong các trường hợp nói trên nên không có căn cứ để cơ quan có thẩm quyền chấp nhận.
Tuy nhiên, pháp luật không cấm cá nhân được sử dụng một tên khác (tên thường gọi hoặc tên thường dùng) nếu việc sử dụng tên thường gọi đó không nhằm vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.
Tuy tên thường gọi không được ghi nhận trên giấy khai sinh của cá nhân nhưng có thể giúp bạn cảm thấy đỡ phiền toái khi dùng tên khai sinh của mình. Trường hợp bạn tham gia các giao dịch liên quan đến pháp luật (kinh tế, dân sự, hành chính, lao động...) thì bạn vẫn phải sử dụng tên theo giấy khai sinh và có thể chú thích thêm "tên thường gọi" trong các văn bản, giấy tờ giao dịch đó.
Luật sư Vũ Tiến Vinh
Công ty luật Bảo An, Hà Nội