Ông bà ngoại và ba tôi còn sống, mẹ tôi không có cha mẹ nuôi hay con nuôi nào khác.
Luật sư trả lời
Theo điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015, hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
Nếu mẹ bạn có anh chị em ruột, những người này thuộc hàng thừa kế sau, chỉ được hưởng thừa kế nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Trong trường hợp của bạn, những người hưởng thừa kế hàng thứ nhất gồm 6 người: chồng, 3 người con, bố đẻ, mẹ đẻ.
Trước tiên cần xác định nguồn tiền của sổ tiết kiệm đứng tên mẹ bạn để thực hiện việc phân chia di sản thừa kế.
Thứ nhất: Đây là tài sản chung của bố và mẹ bạn
Nguồn tiền của mẹ bạn để lại được hình thành trong thời kỳ hôn nhân, nếu không chứng minh được số tiền đó do mẹ bạn được tặng, cho riêng là tài sản chung của bố và mẹ bạn. Khi đó tiền trong sổ tiết kiệm có một nửa thuộc về bố bạn. Phần tài sản của mẹ bạn được mở thừa kế chia đều cho 6 người thuộc hàng thừa kế thứ nhất.
Ví dụ: Sổ tiết kiệm trị giá 100 triệu đồng. Số tiền 50 triệu đồng thuộc về bố bạn vì đây là phần tài sản riêng của ông trong khối tài sản chung. 50 triệu đồng thuộc về mẹ bạn sẽ chia đều cho 6 người thừa kế mỗi người được hưởng 8,33 triệu đồng.
Thứ hai: Đây là tài sản riêng của mẹ bạn
Nếu xác định được toàn bộ số tiền do mẹ bạn được tặng, cho riêng, tài sản riêng thì toàn bộ sẽ được mở thừa kế và chia đều cho 6 người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bà.
Ví dụ: Sổ tiết kiệm 100 triệu chia đều cho 6 người, mỗi người được hưởng 16,6 triệu đồng.
Để thuận lợi cho việc thực hiện khai nhận thừa kế, các đồng thừa kế nên xác định đây là tài sản riêng của bà và tiến hành thủ tục khai nhận bình thường tại phòng công chứng. Sau khi có văn bản khai nhận, gia đình bạn mang văn bản này đến ngân hàng để rút toàn bộ số tiền về rồi tự phân chia trong nội bộ với nhau.
Trường hợp này, người nhận thừa kế không phải chịu thuế thu nhập cá nhân.
Luật sư Quách Thành Lực
Công ty Luật TNHH LSX