Những vấn đề về cuộc sống chung của người đồng giới đã được tái hiện chân thực trong nghiên cứu "Quan hệ đồng giới" ở Việt Nam, công bố ngày 14/5 tại Hà Nội. Tiến sĩ Nguyễn Thu Nam - Viện Chiến lược và Chính sách, Bộ Y tế - người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết tuy số mẫu khảo sát chưa lớn nhưng đây là công trình đầu tiên về cuộc sống chung của người đồng tính ở nước ta và nó có ý nghĩa rất quan trọng.
Nghiên cứu có sự tham gia của 20 cặp đôi đồng tính sống chung từ 2 đến 20 năm, và gần 2.500 người trong cộng đồng này. 87% trong số họ mong muốn được sống chung để hỗ trợ lẫn nhau về tình cảm, tạo cảm giác cuộc sống an toàn.
Hầu hết các cặp đôi đều không có nghi lễ ra mắt hoặc thực hiện thủ tục gì khi quyết định về sống chung với nhau. Tuy vậy, phỏng vấn sâu 20 người cho thấy tất cả đều có mong muốn duy trì quan hệ lâu dài.
Một người đồng tính nữ 28 tuổi chia sẻ, cuộc sống của họ không có sự phân chia trách nhiệm như trong các mối quan hệ dị tính. Thông thường, là sở trường, sở thích của ai thì người đó sẽ làm vì người mình yêu.
"Vì em rất lười nên bạn Chic sẽ dọn phòng, giặt đồ, xếp đồ vào tủ. Lúc thấy toilet dơ em sẽ gọi bạn Chic vào cùng lau chùi. Bạn Chic thích game, còn em thì đam mê nấu ăn nên thường bạn ấy sẽ ngồi chơi game đợi em nấu ăn. Em cảm thấy rất vui vì mình làm hết, chuyện nấu nướng dưới bếp không có gì mệt nhọc", nữ đồng tính này cho biết.
Trái ngược hoàn toàn với quan niệm người đồng tính sống phụ thuộc, lợi dụng kinh tế, nghiên cứu chỉ ra gần 50% cho biết hai người có tài chính độc lập, 44% góp thu nhập cùng chi tiêu, còn một số nhỏ khác sẽ có một người chu cấp tài chính hay đóng vai trò trụ cột chi trả sinh hoạt của hai người. Các cặp đôi sống chung có xu hướng sở hữu chung các tài sản giá trị lớn như ô tô, sổ tiết kiệm hoặc vàng, cùng góp vốn kinh doanh hoặc nhà đất.
Một đồng tính nam 52 tuổi chia sẻ: "Từ hồi còn sinh viên, chưa có cái gì thì chúng tôi đều đã dùng chung từ cái áo, cái quần, giày dép, sách vở, băng đĩa nhạc của nhau. Rồi lớn lên thì tự nhiên chung những cái lớn hơn như nhà cửa, tài sản, xe cộ. Tất cả các thứ đều bình thường và trong đầu cũng không mảy may nghĩ về chuyện đó". Người này khẳng định trong tình yêu đồng giới của họ tình cảm lâu dài là yếu tố quan trọng nhất, "khi không còn tình cảm thì không còn điều gì quan trọng".
Với người đồng tính tình dục vừa là nhu cầu, vừa là cách thể hiện tình cảm với người mình yêu và hoàn toàn giống người bình thường. Tuy nhiên, ở nhóm đồng tính nam, tình dục đôi khi là nhu cầu sinh lý, mối quan hệ ngoài luồng vẫn được chấp nhận khi họ sống chung. Còn với nữ giới tình dục thường đi kèm tình yêu.
Thực tế, cuộc sống chung như vợ chồng của những người đồng tính, song tính và chuyển giới đã, đang và sẽ tồn tại. Tuy nhiên, trước đến nay họ cũng vẫn đang phải chịu đầy rẫy khó khăn từ phía gia đình, xã hội, cũng như không được sự công nhận của pháp luật.
Nghiên cứu chỉ ra có đến hơn 57% người trả lời cho biết tình cảm đồng giới của họ không được cha mẹ chấp nhận, 46% nói không được họ hàng ủng hộ, thậm chí hơn 16% từng bị họ hàng và gia đình đe dọa chấm dứt mối quan hệ. Điều này đi ngược với nguyện vọng tha thiết của người đồng giới là muốn được cha mẹ chấp nhận (80%), để có thể làm tròn nghĩa vụ và bổn phận báo hiếu với cha mẹ. Việc phải giấu kín khiến cho mối quan hệ đồng giới không thể tiến xa hơn, thậm chí dẫn đến phải lựa chọn giữa "bên tình - bên hiếu", tiềm ẩn những nguy cơ lớn đổ vỡ mối quan hệ.
Riêng về chuyện sinh hay nuôi con với họ càng khó khăn hơn khi mà họ không được hỗ trợ pháp lý về mặt sinh sản, các dịch vụ chui nhiều rủi ro, còn pháp luật vẫn chưa thừa nhận quyền sinh/nhận con nuôi của họ. Tuy vậy, nhu cầu có con của nhóm này cũng rất lớn, với 61% muốn có con trong tương lai, để tạo sự gắn kết cuộc sống đôi lứa (84%), hay coi đây là trách nhiệm với gia đình (trên 61%). Vì không thể có con tự nhiên trong mối quan hệ đồng giới, khá nhiều cặp phải chọn cách đầu tư cho cháu để cháu có thể thay con đẻ, hoặc xin con nuôi.
Theo ông Bùi Minh Hồng, Bộ Tư pháp, thì trong quy định của pháp luật hiện hành, việc nhận nuôi con nuôi được thừa nhận đối với một cá nhân. Nếu như hai người là cha mẹ nuôi của đứa trẻ, thì hai người phải là vợ chồng. Trong bối cảnh hiện nay, khi quyền kết hôn đồng giới chưa được thừa nhận trong luật thì khi người đồng tính chung sống, nhu cầu nhận con nuôi sẽ không được pháp luật công nhận.
Theo ông Lương Thế Huy, cán bộ pháp lý của Viện nghiên cứu Xã hội Kinh tế và Môi trường iSEE, việc thừa nhận quyền của người đồng tính ngày càng trở thành một tiêu chuẩn. Trong quyền được sống thì tồn tại chỉ là bước đầu tiên, còn mưu cầu hạnh phúc mới là mục đích cuối cùng. Hạnh phúc là dành cho mọi người chứ không phải cho một nhóm người. Người đồng tính là con người thì cũng có quyền được mưu cầu hạnh phúc như tất cả mọi người khác, và cần được pháp luật bảo vệ niềm hạnh phúc quý giá đó.
"Quyền kết hôn chỉ là một phần trong tổng thể các quyền con người. Tuy nhiên, việc thừa nhận quyền kết hôn sẽ như một cột mốc đánh dấu cho sự chấm dứt quan niệm 'Anh chị có quyền yêu, nhưng anh chị sẽ không được quyền tạo lập một gia đình'", anh Huy nói.
Vị này phân tích, những lo ngại như loài người sẽ tuyệt chủng, hay sẽ đổ xô “thành đồng tính” đều là phản khoa học vì đồng tính chiếm ổn định một phần nhỏ trong dân số, không phải bệnh dịch mà lây lan. Ngược lại có cho phép người cùng giới lấy nhau thì cũng không tự nhiên làm tăng tỷ lệ các cặp khác giới ly hôn hay làm tăng bạo lực, bất bình đẳng trong những gia đình ấy.
"Quyền của người đồng tính không phải là sản phẩm của nhà làm luật, đó chỉ là một điều vốn dĩ thuộc về con người mà nhà làm luật cần phải thừa nhận", ông Lương Thế Huy phát biểu.
Cũng trong hội thảo này, ông Bùi Minh Hồng, Bộ Tư Pháp bày tỏ: "Tiếng nói của các bạn đã thấu đến tâm những người hoạch định chính sách và sửa đổi hiến pháp cũng như Luật Hôn nhân gia đình. Chắc chắn thừa nhận hôn nhân đồng tính sẽ có trong tương lai và sẽ cần một lộ trình hợp lý trước khi đi đến quyết định này".
Tính tới ngày 15/5/2013, có 40 quốc gia và vùng lãnh thổ công nhận hôn nhân đồng giới, bao gồm: Hà Lan, Bỉ, Argentina, Tây Ban Nha, Canada, Nam Phi, Na Uy, Thụy Điển, Bồ Đào Nha, Iceland, Đan Mạch, Uruguay, New Zealand, Pháp, 2 bang ở Mexico, 13 bang ở Mỹ và 11 bang ở Brazil.
Có 33 quốc gia và vùng lãnh thổ thừa nhận người đồng tính kết hợp dân sự, bao gồm: Andorra, Áo, Brazil, Colombia, Cộng hòa Séc, Ecuador, Phần Lan, Đức, Greenland, Hungary, Ireland, Isle of Man, Jersey, Liechtensein, Luxembourg, Slovenia, Thụy Sĩ, Anh, 5 bang ở Australia; một bang ở Mexico, 8 bang ở Mỹ và 1 bang ở Venezuela.
Phan Dương