Bà kể, chồng quê gốc ở Thái Bình nên rất nặng chuyện nối dõi tông đường. May mắn thay, đứa con đầu lòng là con trai trở thành niềm vui của cả dòng họ. Hạnh phúc cũng vì thế mà lớn lên trong gia đình nhỏ. "Nghĩ về con là tôi yêu thương trào nước mắt", bà nói.
Năm thứ 2 đại học con trai thừa nhận là gay, vợ chồng bà Thủy kỳ thị ra mặt. "Trước đó mình yêu nó bao nhiêu giờ lãnh đạm bấy nhiêu, ghét thậm chí còn ghê tởm nó. Xã hội ngày trước nghĩ về đồng tính là bệnh loạn, vợ chồng tôi cũng thế, xem chúng như sâu bọ, đáng bắn bỏ", bà xót xa nhớ lại.
Mất tình yêu dành cho con, vì thế bà cũng mất đi sự quan tâm, chăm sóc. Nấu cơm nhưng bà không ăn với con mà nói: "Tao nấu cơm để đó, mày đói thì xuống mà ăn". Chuyện học hành cũng không quan tâm, lúc nào đến kỳ học phí thì đặt tiền ở bàn cho cậu con "không may đồng tính" ra lấy. "Lúc cháu tốt nghiệp đại học bảo chúng tôi đến dự nhưng cả hai vợ chồng còn khinh bỉ để mặc nó một mình", bà nghẹn lời kể.
Ngoài mặt là vậy, bên trong vợ chồng bà Thủy nghĩ nhiều cách để "thay đổi" cái đồng tính của con. Gia đình bà đưa con đi hết viện nọ, viện kia, thậm chí, cho đi xét nghiệm máu xem hoócmôn "lệch lạc" của con có thể sửa được không.
"Nghe người ta mách có thể con bị cái vong nữ nào nhập vào người, vợ chồng tôi đưa con đến một nhà thầy cúng ở tận Đồng Tháp. Đến đó, họ chọc ngoáy vào những chỗ hiểm trên người, bắt con tôi nói nó là ai nhưng lần nào thằng bé cũng nói 'Con là thằng Duy'. Họ lại đè người, trói tay chân, chọc vào yết hầu nó. Con tôi thất thanh kêu lên 'Đau, đau, đau, con là gay, con yêu con trai'. Vợ chồng tôi ngồi hai bên giật mình ngước nhìn nhau như biết rằng nếu còn tiếp tục chắc con tôi chết mất", người mẹ nhớ lại những ngày ấy.
Bị gia đình đối xử như vậy nhưng cậu con trai rất biết nghe lời. Sau này, bà Thủy mới biết con cũng khổ tâm và đấu tranh ghê gớm lắm, bởi từ lớp 11, cậu đã phải nhập viện tâm thần vì nói nhảm, stress nặng (khi đó gia đình chưa biết cậu đồng tính). Lần thứ 2 cậu nhập viện cũng bị tâm thần do áp lực công việc, sáng làm chỗ này, tối làm chỗ khác và còn phải học cao học (vợ chồng bà đã bảo sẽ không cho cậu thứ gì).
"Tôi còn ngu muội tới mức xin bác sĩ cho con ở trại nữ vì không thể để nó ở trại nam được. Một tối vợ chồng tôi nằm bên cạnh nó, đang đêm nó đứng dậy nhìn đồng hồ rồi đếm '1, 2, 3, 4, 5, 6. Con đếm đến 6 là Hùng (người yêu nó lúc đấy) sẽ xuất hiện. Chúng con đã giao hẹn với nhau rồi'. Xong nó đổ ầm người xuống nền nhà. Rồi cứ thế nó lại đứng lên làm tương tự".
Sau bao lần như thế, vợ chồng bà Thủy mới nhận ra "mình khổ một, con mình còn khổ gấp trăm lần" rồi quyết định không nặng nề với con, chăm sóc con để bù đắp lỗi lầm ngày trước.
"Giờ con tôi đã 30 tuổi, nó làm việc bên Philippines, đầu óc ổn định nhưng sợ rằng khi có áp lực bệnh sẽ tái phát. Vợ chồng tôi cũng không sống được bao nhiêu nữa, nếu nó có mệnh hệ gì thì lấy ai chăm sóc. Thà để cho con được sống theo cách của mình, chúng tôi mới an tâm ra đi được", người mẹ đầu hai thứ tóc tâm sự.
Không gay gắt như gia đình trên, nhưng có một thời điểm vợ chồng bà Ly (TP HCM) cũng đã đối xử bất công với đứa con trai duy nhất của mình.
Bà Ly kể vợ chồng bà đều có công việc ổn định và chỉ có một đứa con trai nên nuôi dưỡng cháu trong một môi trường rất tốt. Tình yêu của hai vợ chồng đều dành hết cho con.
Năm con trai học lớp 11, bà vô tình xem được cuốn nhật ký của con. Trong đó kể về những cảm xúc yêu đương với một cậu bé khóa dưới. "Cuốn nhật ký dán hình thằng bé học lớp 10 kèm theo những cảm xúc yêu đương của nó. Lúc đó tôi bàng hoàng, tức giận, xấu hổ, lại lo sợ vô cùng. Tôi yêu cầu con đốt nhật ký và tự an ủi chắc nó chưa hiểu chuyện nên thế", bà Ly cho biết.
Bà tìm cách "chữa bệnh" cho con. Nghe người ta mách ăn gạo lứt, muối mè sẽ làm giảm yếu tố "âm", tăng yếu tố "dương" trong người nên bà bắt con ăn. Bà cũng đưa con đi các nhà tâm lý. Một nhà tâm lý giỏi khẳng định 70-80% con bà đồng tính, tuy nhiên vẫn có thể hy vọng vì giới tính của một người đến năm 21 tuổi mới đóng khung. Lúc con chuẩn bị thi đại học, bà lại phát hiện cậu quen một cậu bé ở Bà Rịa Vũng Tàu. Bà tìm số mẹ cậu bé kia, kể hết cho bà ấy nghe, hướng dẫn cách quản lý, chia cắt đôi bạn trẻ. Bà mẹ cậu kia thậm chí còn chẳng biết gì, cảm ơn bà Ly rối rít.
"Con tôi bực tức, cầm con dao đi đi, đi lại. Tôi hỏi, nó nói 'Con hận ai đó phá chuyện của con'. Tôi tức giận mắng, con tôi khóc lóc xin lỗi. Thế nhưng tôi phá đứa này, nó lại quen đứa khác. Lúc đó tôi đã nghĩ sao con mình bệnh hoạn thế", người mẹ này cho biết.
Bước ngoặt thay đổi suy nghĩ của bà là khi đọc bức thư dài 3 mặt giấy của cậu con trai. Trong đó, cậu nói mẹ là người sinh cậu ra đời, giá như cậu có thể chết ngay lúc đó thì đời đã không khổ. Những lời đó khiến bà Ly giật mình nhớ lại những cách đối xử tệ bạc với con, bà ân hận và thương con vô hạn. Từ đó, bà tìm hiểu các kiến thức khoa học và biết được đồng tính không phải là bệnh. Hiểu con, bà cũng muốn chồng chấp nhận chuyện con khác người.
"Chồng tôi còn thương con hơn tôi nhưng mở miệng nói ra chuyện này là ông ấy cắt ngang, tỏ ý rất ghê tởm. Tôi đành khéo léo đặt những cuốn sách ở phòng khách, may ra ông ấy đọc. Đến khi đi xem vở kịch 'Được là chính mình' do người đồng tính diễn, ông ấy là người đầu tiên đứng lên ủng hộ người đồng tính. Đúng là mất 5 năm gia đình tôi gay gắt với con, rất may cả vợ chồng tôi đã biết nhìn lại đúng lúc", bà thấm thía.
Theo ông Lê Quang Bình - Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế, xã hội và môi trường (iSEE), hiện nay ở nước ta có khoảng 1,6 triệu người đồng tính, song tính và chuyển giới. Ho đang phải chịu nhiều thách thức, trong đó thách thức lớn nhất là đang bị định kiến và kỳ thị. Theo một nghiên cứu iSEE đã thực hiện thì có 95% người đồng tính nam nói đã nghe những lời kỳ thị từ người khác về bản thân, 20% từng bị mất bạn bè, 15% bị gia đình bạo lực cả về thể chất lẫn tinh thần.
“Do rất nhiều sức ép, nhiều người đồng tính phải lập gia đình với người dị tính, sống một cuộc hôn nhân giả dối, bất hạnh, không tình yêu", ông Bình nói.
Thêm vào đó, ông Đinh Xuân Thảo - viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp cũng thừa nhận cộng đồng LGBT đang chịu sự phân biệt đối xử, kỳ thị, bạo lực từ xã hội và gia đình, song pháp luật vẫn chưa có một quy định nào bảo vệ họ.
Phan Dương