Xong bữa sáng, hai bà mẹ cùng đưa bé Xuân Nhi tới trường. Chiều, một trong 2 chị sẽ thay nhau tới đón con. Về nhà, Hương sẽ tắm cho con, còn mẹ Feo (nickname của chị Yến) chạy ra chợ mua đồ nấu bữa tối. Xong đâu đó, cả nhà đi dạo hay cho bé chơi với trẻ hàng xóm. Vào cuối tuần cặp đôi dẫn Xuân Nhi đi thăm những người bạn của hai người hoặc đi công viên, rạp chiếu phim.
"Ở trường của bé có lắp camera online, mình hay vào xem nó. Ví dụ hôm nào nó khóc nói nhớ các mẹ kỳ thực nó lười đi học, mình sẽ vào xem nó đã nín, chịu chơi với các bạn chưa. Hôm nào nó mệt thì vào xem nó có ăn không, có hòa đồng với bạn không. Nhiều lúc chỉ đơn giản là nhớ nó thôi, lại vào xem nó đang làm gì", chị Yến nhớ đến đứa con 4 tuổi - mà giờ không chỉ là con riêng của người bạn đời.
Đối với người phụ nữ 31 tuổi này, hạnh phúc không giống như giấc mơ mà là nỗ lực mà cả hai chị đã cùng vun đắp. Trước đây chị từng trải qua vài mối tình đồng giới, nhưng khi gặp Hương, chị có một cảm giác rất khác. Đó là thứ cảm giác được hạnh phúc của một gia đình, và vì thế mà chị thấy mình cần dũng cảm hơn, có nhiều cống hiến hơn cho cộng đồng của mình (hiện chị Yến là Giám đốc dự án của ISC - một tổ chức đại diện cho tiếng nói của cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới ở Việt Nam).
"Khi đến với mình, Hương phải chịu áp lực rất lớn từ phía gia đình nội, ngoại và lo lắng cho tương lai của đứa con cũng như xì xào của đồng nghiệp ở công ty. Chắc chắn vì tình yêu nên cô ấy mới có động lực bỏ lại tất cả", chị Yến tâm sự.
Trước khi đến với Yến, chị Hương từng xây dựng gia đình với một người đàn ông, rồi có bé Xuân Nhi. Quyết định đi theo tiếng gọi của trái tim, chị Hương ly hôn và chuyển vào Nam sinh sống với "bạn đời" mới.
"Rất may khi vào đây cô ấy kiếm được một công việc khá thoải mái. Mọi người biết mối quan hệ của chúng tôi nhưng họ không đào sâu hoặc quá quan tâm. Thời gian đầu chỉ hai đứa sống với nhau. Lúc đó, cả hai vẫn chưa có ý định nuôi em bé và gia đình cũng không tự tin cho Hương nuôi con", chị Yến kể.
Nhưng sau khi bé Xuân Nhi vào chơi với hai chị gần 1 tháng, mọi người nhận thấy bé ngoan hơn, trưởng thành hơn. Lúc này gia đình mới suy xét đến việc một bé gái sẽ sống tốt hơn khi có mẹ. Và rồi Xuân Nhi được gửi đến cho mẹ chăm sóc.
Từ đó, mỗi ngày cuộc sống với Yến là một trải nghiệm mới mẻ. "Trước đây tôi rất khâm phục các bà mẹ sao họ có thể kiên nhẫn chiều chuộng em bé và chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ có con hay chăm sóc tốt cho con cái. Nhưng từ khi có con, tôi đã đi qua những trải nghiệm ấy", chị xúc động.
Yêu cái nhí nhảnh, líu lo, cả lối thắc mắc trẻ thơ của con mà Yến chiều cô bé mọi điều. Chị đọc thêm nhiều câu chuyện, học những cách lý giải đơn giản mà khoa học để trả lời những thắc mắc cho con. Chị cũng dự định sẽ cho bé đi học võ để có sức khỏe.
Dần dần, chị nhận thấy những thay đổi trong cách ứng xử của bé Xuân Nhi với mình. Hồi đầu, bé gọi chị là "bạn Feo", về sau chủ động gọi là "mẹ Feo". Lúc Yến và Hương hỏi bé có cho phép họ yêu nhau thì cô bé thắc mắc "Sao lại thế, con gái phải yêu con trai chứ", nhưng càng về sau Xuân Nhi càng gật đầu ủng hộ mối quan hệ của 2 người, còn xin làm phù dâu.
Sống với hai người mẹ, Xuân Nhi rất hòa đồng, gặp ai cũng chào hỏi lễ phép. Đối với các bạn của mẹ, bé không hề cảm thấy kỳ lạ. "Vì mình yêu nó, nó cũng yêu mình và mối quan hệ của chúng mình. Tụi mình đang cố ổn định công việc, có khả năng tài chính sẽ mua nhà. Sang năm em bé vào lớp 1, sẽ gửi nó vào trường tốt, ở một trường mà con mình không phải còng lưng đeo cặp đi học", chị Yến bày tỏ.
Hạnh phúc đơn giản là vậy nhưng cặp đôi này cũng như bao cặp đôi đồng tính khác nuôi con vẫn phải sống trong lo lắng, sợ rằng hạnh phúc mong manh của họ sẽ không trụ được khi em bé lớn lên, đi học và phải chịu sự kỳ thị ở trường.
"Một người bạn của tôi, anh ấy là người chuyển giới từ nữ sang nam đã sống với tình yêu từ thời đại học của mình hơn chục năm qua. Hiện họ có một đứa con 3 tuổi nhờ thụ tinh nhân tạo. Song anh chị ấy phải mua nhà trong một con hẻm để tránh bị dòm ngó. Mới đây anh ấy rất buồn vì nghe được một người hàng xóm xúi giục trẻ con không chơi với con của anh chị. Sự việc đó ám ảnh anh chị ấy, họ lo lắng không biết khi đi học em bé còn phải chịu những điều tiếng ra sao", chị Yến chia sẻ.
Một cặp đôi khác là hai người đồng tính nam đã chung sống gần 20 năm. Một anh là người nước ngoài, làm bác sĩ, một anh là quản lý khách sạn. Hai con của họ đã 18 và 15 tuổi. Sống cùng một ngôi nhà mấy chục năm nay nhưng trên giấy tờ họ không có gì ràng buộc. Mỗi người nhận nuôi một đứa con.
"Người ngoài cứ bảo rằng thích thì sống với nhau, pháp luật cấm kết hôn chứ có cấm cưới nhau đâu, nhưng sự thực là không có sự bảo vệ của pháp luật nên chúng tôi không có được hạnh phúc trọn vẹn", chị Yến phát biểu.
Trong một bài nghiên cứu vừa công bố, tiến sĩ Nguyễn Thu Nam - Viện chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y tế) đã chỉ ra rằng hôn nhân cùng giới không phá vỡ kết cấu hôn nhân truyền thống, không hề ảnh hưởng đến tỷ lệ ly hôn hay giảm tỷ lệ sinh. Riêng về mặt nuôi dưỡng con cái, hôn nhân đồng giới đôi khi còn có điểm "vượt trội".
Tiến sĩ Thu Nam trích dẫn một nghiên cứu năm 2006 của Hội Nhi khoa Mỹ là không có bằng chứng nào chỉ ra bất kỳ nguy cơ cho sự phát triển của trẻ khi nó được nuôi dưỡng trong các gia đình đồng tính. Thực tế, hầu hết các nghiên cứu về gia đình trong vòng 40 năm gần đây ở các nước và vùng lãnh thổ thừa nhận một trong các hình thức chung sống của người đồng tính đều chỉ ra sự phát triển và hạnh phúc của trẻ phụ thuộc rất nhiều vào mối quan hệ của bố mẹ mà không liên quan đến cấu trúc gia đình là bố mẹ khác giới hay cùng giới, hay bố mẹ độc thân.
Một số nghiên cứu khác còn chỉ ra những đứa con do đồng tính nữ sinh ra hoặc được họ nuôi dưỡng thậm chí có một số khả năng vượt trội hơn trẻ em trong các gia đình hôn nhân truyền thống. Trong khi nghiên cứu về khả năng nuôi dạy con của các cặp đồng tính nam cho thấy họ chăm sóc con tốt hơn các ông bố dị tính.
"Hôn nhân cùng giới không ảnh hưởng đến phát triển dân số, quan niệm về thể chế gia đình truyền thống cũng như sự phát triển của trẻ. Ngược lại, việc hợp pháp hôn nhân cùng giới còn mang lại lợi ích về sức khỏe cộng đồng, bình đẳng giới và hòa hợp xã hội. Đây cũng là để đảm bảo sự bình đẳng cũng như quyền của tất cả công dân", tiến sĩ Thu Nam nhấn mạnh.
Phan Dương