Tôi nhớ lại cuộc gặp này khi hay tin Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) được Thủ tướng yêu cầu tách khỏi EVN và chuyển về Bộ Công Thương.
Tôi từng phụ trách mảng đầu tư năng lượng và môi trường dưới trướng của ông, với mục tiêu huy động một quỹ lên đến 150 triệu USD để đầu tư vào các dự án tài nguyên tái tạo tại Việt Nam và vài nước Đông Nam Á khác. Rồi tôi rời quỹ để theo đuổi một cơ hội mới, còn ông ở lại tiếp tục nuôi hy vọng. Nhưng sự kiên nhẫn và kỳ vọng của ông đã không được đền đáp. Đó là cớ sự đưa tôi và ông tái ngộ tại sân bay.
"Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển điện tái tạo, nhưng tôi không thể thuyết phục các nhà đầu tư rót vốn vào", ông nói, giọng chán chường. "Có quá nhiều rủi ro và rào cản mà tôi ở Việt Nam nhiều năm cũng không hiểu nổi, huống gì các nhà đầu tư chỉ đến Việt Nam vài lần".
Nhưng "rủi ro cao, lợi nhuận lớn", tôi cố phân trần.
"Nghe này, Thi! Cậu có thấy những điều mâu thuẫn mà người ta cho là... ‘vì cơ chế’ không?".
Ông còn biết đến cụm từ "vì cơ chế", thảo nào mình phải "làm lính" cho ông, tôi nghĩ bụng.
"Cậu nghĩ xem, quản lý nhà hàng này có dám bỏ qua nguồn cung thực phẩm do người nhà của sếp anh ấy cung cấp để chọn nguồn nguyên liệu khác bên ngoài không? Trên thị trường phát điện, hãy nghĩ đến anh quản lý này như vai trò của A0. Dưới quyền của EVN, liệu A0 có đảm bảo công bằng khi điều phối nguồn điện trên thị trường mà nguồn phát cũng từ EVN và các nguồn khác cạnh tranh lên lưới không?".
A0 (Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia) được giao hai nhiệm vụ chính, là điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện quốc gia.
Bất kỳ lúc nào bạn bật điều khiển máy lạnh, tivi hay lò vi sóng, lưới điện điều chỉnh tức thời về nguồn cung để đáp ứng nhu cầu dùng điện của bạn. A0 âm thầm hỗ trợ bạn điều đó.
Do lịch sử để lại, A0 được thành lập là một đơn vị trực thuộc EVN. Qua nhiều năm tái cơ cấu ngành điện, "sân chơi" phát điện ngoài EVN còn có PVN, TKV và nhiều nhà đầu tư tư nhân. "Cũng như trong bóng đá, nếu trọng tài là con của EVN thì các đội PVN, TKV hay tư nhân khó mà không lăn tăn được", ông nói, mắt liếc nhìn màn hình đang phát một trận cầu Ngoại hạng Anh.
Mười năm trước, Quyết định 63 của Thủ tướng về hình thành và phát triển thị trường điện Việt Nam đặt lộ trình từ năm 2015, A0 "là đơn vị độc lập, không có chung lợi ích với các đơn vị tham gia thị trường điện". Trải qua nhiều thay đổi và trì hoãn, A0 vẫn thuộc EVN.
Kinh nghiệm từng thẩm định đầu tư hàng trăm dự án ở Việt Nam chỉ ra cho tôi có những loại rủi ro mà "Ai cũng hiểu, chỉ một người không hiểu. Nên có một gã khờ... bỏ cuộc, chẳng đầu tư".
Có thể ví hoạt động điều độ điện của A0 như bộ não trong cơ thể hệ thống điện. Đây là nơi điều phối các nguồn phát, duy trì sự cân bằng hệ thống, ứng phó với tình huống bất ngờ, đảm bảo sự đáng tin cậy, ổn định và an toàn của lưới điện.
Trong khi đó, hoạt động điều hành giao dịch thị trường điện được thúc đẩy bởi nguyên tắc kinh tế, nhằm phân bổ hiệu quả nguồn cung và nhu cầu điện dựa trên các lực lượng thị trường.
Vậy, có những phương án nào về tổ chức của A0 sau khi tách khỏi EVN?
Bộ Công Thương thiên về đề xuất A0 trở thành đơn vị sự nghiệp. Bộ Nội vụ khuyến cáo A0 nên theo mô hình doanh nghiệp. Theo đó, A0 trở thành Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện, thị trường điện, thuộc Bộ Công Thương.
Theo quan sát của tôi, trên thế giới có ba mô hình tổ chức độc lập có chức năng điều độ hệ thống và điều hành thị trường điện mà Việt Nam có thể tham khảo.
Thứ nhất là công ty dịch vụ công ích (public corporation), hoạt động theo mô hình doanh nghiệp phi lợi nhuận và độc lập với chính phủ. Điển hình là 9 nhà điều hành lưới điện ở Bắc Mỹ, như CAISO của California, NYISO của New York (Mỹ), IESO của Ontario, AESO của Alberta (Canada)... Tại châu Á, IEMOP của Philippines cũng theo mô hình này.
Thứ hai là mô hình công ty cổ phần phi lợi nhuận do nhà nước chi phối, với cổ đông là đại diện chính quyền trung ương và địa phương cũng như các công ty thành viên tham gia thị trường điện. Điển hình là AEMO, công ty điều hành thị trường năng lượng của Australia.
Thứ ba là mô hình "song kiếm hợp bích", gồm một tổ chức phụ trách điều độ hệ thống điện (Power System Operator) hoạt động song song với một công ty điều hành giao dịch thị trường (Power Exchange). Mô hình này đang được áp dụng tại Singapore, một trong những quốc gia có thị trường điện cạnh tranh phát triển nhất thế giới. Theo đó, hoạt động điều độ hệ thống do Cục Thị trường Năng lượng (EMA) thuộc Bộ Công Thương (MTI) phụ trách. Công ty Thị trường Năng lượng (EMC) thuộc Sở Giao dịch chứng khoán Singapore đảm nhiệm điều hành giao dịch thị trường điện. EMC vận hành như một sàn giao dịch điện năng, tương tự là KPX của Hàn Quốc và JEPX của Nhật.
Điểm chung nhất của các mô hình trên là tính chất độc lập trong quá trình ra quyết định, không phụ thuộc vào ảnh hưởng chính trị và lợi ích của bất kỳ bên nào. Cơ cấu tổ chức và hoạt động luôn đề cao trách nhiệm giải trình, giảm thiểu xung đột lợi ích, không phân biệt đối xử, minh bạch và công bằng.
Có lẽ, việc lựa chọn mô hình nào phù hợp cho Việt Nam cũng nên theo các quy tắc đó, với định hướng an ninh năng lượng quốc gia là ưu tiên tối hậu trong khi đảm bảo hài hòa lợi ích của tất cả các bên.
Đây là cơ hội lớn để tạo bước đột phá trong việc tái cấu trúc ngành điện, thúc đẩy đổi mới, tạo nền móng để nâng cao khả năng tiếp nhận điện gió và mặt trời lên lưới, góp phần hạn chế thiếu điện. Đây cũng là bước tạo tiền đề cho việc xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, tạo cơ hội cho người tiêu dùng được quyền lựa chọn người bán.
Cũng có thể lựa chọn tối ưu phải kèm theo đột phá về cơ chế, đôi khi còn cần ai đó buông bỏ một số lợi ích.
Hy vọng khi có dịp gặp lại sếp cũ, tôi có thể tự hào rằng thị trường điện Việt Nam đã thật sự tốt hơn để đầu tư, "nhờ cơ chế", thay cho cụm từ "vì cơ chế" ông học được ngày nào.
Cơ chế là do con người tự tạo ra, nên cơ chế không phải là bất biến.