Trả lời:
Phun (xăm) môi, xăm chân mày là thủ thuật xâm lấn trên da, dùng các đầu kim nhỏ để đưa mực vào sâu trong da và niêm mạc môi. Các vật liệu như kim tiêm, vật liệu phun xăm cần được tiệt trùng đúng cách, không vệ sinh đúng, thay mới, nguy cơ lây các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như viêm gan B, giang mai, HIV, herpes (mụn rộp), uốn ván... Với mực xăm, nếu sử dụng mực không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, khi tiếp xúc trực tiếp với da có khả năng gây ra tình trạng dị ứng, nhiễm độc.
Mặt khác, tổn thương trên da sau khi phun xăm có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn uốn ván có trong môi trường bên ngoài xâm nhập cơ thể.
Vì vậy ngoài chọn lựa chọn cơ sở làm đẹp uy tín, bạn nên tiêm vaccine uốn ván để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Sau quá trình xăm, bạn theo dõi vùng da ở môi, chân mày, vì đây là vùng da nhạy cảm, chứa nhiều mạch máu dễ bị dị ứng, nhiễm trùng.
Việc tiêm phòng trước khi phun môi, xăm mày sẽ làm giảm nguy cơ nhiễm và trở nặng do bệnh. Hiện Việt Nam có loại uốn ván đơn hoặc các loại vaccine phối hợp như 5 trong 1, 6 trong 1, 4 trong 1, 3 trong 1, 2 trong 1, tiêm theo từng độ tuổi. Người trưởng thành chưa tiêm hoặc không rõ lịch sử tiêm chủng cần ngừa uốn ván theo phác đồ 3 mũi trong vòng 7 tháng, tiêm nhắc 10 năm và bổ sung khi có vết thương.
Nếu đã tiêm phòng đầy đủ, khi có vết thương người dân chỉ cần tiêm nhắc lại một mũi vaccine, không cần tiêm huyết thanh kháng độc tố uốn ván hoặc globulin miễn dịch uốn ván (TIG). Phụ nữ mang thai cần tiêm ngừa uốn ván vào ba tháng giữa hoặc cuối thai kỳ, tiêm nhắc trong mỗi thai kỳ tiếp theo.
Ngoài vaccine uốn ván, bệnh viêm gan B lây truyền qua đường máu đã có vaccine, bạn cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ.
Uốn ván là bệnh truyền nhiễm cấp tính. Vi khuẩn sinh sống trong môi trường đất, cát, xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương, vết trầy xước, tiêm chích, rách da, bỏng, viêm tai giữa, phẫu thuật, sảy thai, sinh đẻ...
Nếu không có kháng thể, nha bào uốn ván sẽ phóng thích ra độc tố xâm nhập vào sợi trục thần kinh, di chuyển ngược dòng từ hệ thần kinh ngoại vi vào đến trung ương. Người nhiễm uốn ván gặp tình trạng tăng trương lực cơ hay co cơ cứng, khi trở nặng gây co giật toàn thân, nuốt sặc và khó thở, nguy cơ tử vong, có tỷ lệ 25-90%.
Bác sĩ Nguyễn Văn Quảng
Quản lý Y khoa Vùng 4 - miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC
Độc giả đặt câu hỏi tư vấn vaccine để bác sĩ trả lời tại đây.