Tháng 10 năm ngoái, bác sĩ chẩn đoán Linh mắc bạch cầu cấp dòng tủy - một dạng ung thư máu có tỷ lệ ác tính cao và diễn tiến nặng nhanh. Linh phải xin nghỉ học. Cha em - anh Trần Xuân Tuyến đang làm thuê ở TP HCM về Ninh Thuận đón con vào Bệnh viện Nhi đồng 2 chữa trị.
Chị Nguyễn Thị Hương My, mẹ Linh, sang nhượng tiệm làm tóc, trả nhà trọ, cầm cả gia tài là 40 triệu đồng, dắt theo Đô (em trai Linh) vào TP HCM sau vài ngày. Đô được gửi vào một mái ấm tình thương ở Gò Vấp, để mẹ dành toàn thời gian trong bệnh viện chăm Linh. Cha vừa đi làm thuê, vừa phụ trông con gái.
Bác sĩ Lê Thị Hạnh Hoa, khoa Ung bướu Huyết học, người trực tiếp điều trị cho Linh, nhớ lại, lúc mới nhập viện, tiên lượng điều trị thành công của em chỉ hơn 50%. Các bác sĩ lên phác đồ truyền 5 toa hóa chất, liên tục trong 6 tháng để tiêu diệt tế bào ung thư. Sáu tháng này đầy sóng gió với cả Linh và ê kíp bác sĩ điều trị, khi nhiều lần tưởng chừng cô bé không qua khỏi.
Ở hai toa đầu tiên vào hóa chất liều cao, cơ thể Linh phản ứng dữ dội, dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng như nhiễm trùng máu, viêm phổi, da phồng rộp, bong tróc từng mảng... Em bị viêm tai giữa, đau nhức, chảy mủ, đe dọa nhiễm trùng thần kinh trung ương. Hơn một tuần, Linh phải nằm ở phòng cấp cứu, thở oxy, hồi sức.
Vừa qua cơn nguy kịch, về phòng bệnh được vài ngày thì một đợt xuất huyết tiêu hóa ồ ạt tấn công, em ói ra hàng lít máu cục, máu tươi lẫn dịch trong dạ dày, bác sĩ cấp cứu ổn một ít lại ói tiếp. Vòng lặp cấp cứu tiếp diễn. "Tình huống này, bệnh nhi phải truyền bù đủ lượng máu và chế phẩm máu đã mất", bác sĩ cho biết. Tuy nhiên, điều khó khăn là Linh có nhóm máu AB, thuộc 10% dân số thế giới mang nhóm máu hiếm. Trong khi đó, ngân hàng máu của bệnh viện không đủ số lượng em cần dùng, cha mẹ em thì khác nhóm máu. Ê kíp điều trị đã phải liên hệ chuyển máu khẩn cấp từ đơn vị khác đến để cứu sống Linh, bác sĩ Hoa cho biết.
Ngoài ra, hóa chất giúp tiêu diệt tế bào ung thư, song tác dụng phụ mạnh là làm suy tủy, khiến cơ thể thiếu máu. Vào 5 toa hóa chất, Linh suy tủy 5 lần, mỗi lần kéo dài 1-2 tuần. Em cần truyền một túi máu, một túi tiểu cầu hàng ngày trong suốt giai đoạn này. Do tính toán trước được thời gian suy tủy, bác sĩ Hoa liên hệ trước với ngân hàng máu, để chủ động tìm kiếm đủ nguồn máu truyền cho Linh. Vài lần em phải chờ đợi máu vì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, giãn cách xã hội, việc hiến máu bị gián đoạn.
May mắn, mọi nguy cơ dần hóa giải và Linh đáp ứng điều trị ngày càng tốt hơn ở những toa thuốc sau. Kết thúc đợt điều trị nội viện, kết quả xét nghiệm cho thấy tế bào ung thư ác tính đã được đẩy lui. Trong 5 năm tới, em sẽ tiếp tục theo dõi và tái khám hàng tháng. Bác sĩ Hoa cho biết, nếu bệnh không tái phát trong 5 năm này thì cơ hội chiến thắng hoàn toàn của Linh rất cao.
Với chị My, đây là "món quà lớn nhất cuộc đời" khi giành được con gái về từ cửa tử. Nhớ lại một năm đã qua, người mẹ 33 tuổi chia sẻ "là trải nghiệm thực sự kinh khủng". Hai vợ chồng vừa bất lực vì không thể chịu đau đớn thay con, vừa bế tắc khi tài chính kiệt quệ. Song sự kiên cường, thậm chí có phần "lì đòn", cam chịu của Linh đã vực dậy tinh thần cho cha mẹ.
Chị My kể con gái yêu vô cùng mái tóc đen nhánh, mềm mượt dài ngang lưng của mình. Khi bác sĩ yêu cầu cạo trọc trước khi hóa trị, Linh không bằng lòng nhưng vẫn làm theo, "vì muốn khỏi bệnh, muốn sống". "Cả chục ngày sau đó, con vẫn bần thần mỗi khi đưa tay lên vuốt tóc theo thói quen, mới nhớ tóc không còn", chị My nói.
Bác sĩ Hoa và chị My đều chia sẻ quá trình chữa bệnh dài đầy đau đớn, mỏi mệt, không ăn uống được, giảm gần 15 kg nhưng chưa bao giờ Linh kêu khóc lớn tiếng hay muốn từ bỏ điều trị. Có lần con xuất huyết tiêu hóa, mẹ hoảng loạn. Lúc bác sĩ đẩy băng ca lên phòng cấp cứu, Linh vẫn ngoái đầu lại nói "mẹ đừng lo, con không sao đâu". "Con cũng sợ hãi nhưng không bao giờ thể hiện trước mặt mọi người, chỉ âm thầm chịu đựng", chị My cho hay.
Gia đình Linh đang thuê phòng trọ ở Đà Lạt, nơi anh Tuyến tìm được công việc lăn sơn nước, mẹ làm thuê tại tiệm tóc. Họ đang cố gắng làm lụng để trả khoản nợ mấy chục triệu đồng vay mượn khi chữa bệnh cho Linh, đồng thời chăm lo cho con. Hai chị em Linh và Đô cũng đang theo học online "ké" tại một trường cấp hai. Dự kiến, sau khi tiêm xong mũi vaccine phòng Covid-19 thứ hai vào cuối tuần này, mẹ sẽ đưa Linh đi TP HCM tái khám, sau 4 tháng gián đoạn do dịch.
"Em muốn trở thành một đầu bếp làm bánh kem, để vừa có thể kiếm tiền, vừa làm được đồ ăn ngon cho gia đình", Linh chia sẻ. Khánh Linh là một trong hàng trăm bệnh nhi ung thư có hoàn cảnh khó khăn được chương trình Mặt trời Hy vọng, thuộc Quỹ Hy vọng - Báo VnExpress hỗ trợ chi phí điều trị, nhằm san sẻ gánh nặng kinh tế trong hành trình chiến đấu giành sự sống.
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng kết hợp với chương trình Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước. Mời xem thông tin về chương trình tại đây.
Thư Anh