Hôm đó em có một lịch quay quảng cáo cho hãng bánh pía.
Một ngày trước buổi sáng định mệnh, mẹ vừa cho An đi khám hô hấp và được kết luận tương tự lần khám vài ngày trước. "Đến đêm con thở có tiếng rít như tàu chạy, tôi chủ quan nghĩ mới khám, mới thay đơn thuốc nên cố đợi trời sáng xem sao", chị Cao Thúy Hạnh, ở quận Gò Vấp, mẹ bé kể.
An vốn chậm tăng cân, thi thoảng chảy máu cam. Chị Hạnh bán quán ăn tại nhà nên có thời gian chăm sóc con. Đã vài lần đi khám, bé luôn được chẩn đoán bị niêm mạc mũi mỏng, không có gì nguy hiểm cho tới khi Bệnh viện Nhi đồng 2 phát hiện An bị tràn dịch màng phổi, có một u Lympho chèn ép tim gây khó thở, tiên lượng xấu.
Chị Hạnh không còn bình tĩnh nữa. Trong chị là nỗi ân hận và day dứt "giá như đưa con đi viện sớm, giá như tìm đúng nơi chẩn bệnh cho con".
Hay tin dữ, bố bé, anh Nguyễn Văn Tuấn và con trai đang ở Hải Phòng đặt vé về TP HCM rồi chạy thẳng vào viện. Bốn đêm, cha mẹ ngồi chờ ngoài phòng cấp cứu. Đến ngày thứ năm, bé An được chuyển ra hồi sức. Lúc này, người làm cha mẹ mới cảm thấy "thở được".
Một tuần sau sức khỏe ổn hơn, cô bé 6 tuổi chính thức bước vào phác đồ điều trị ung thư máu. Anh Tuấn, chị Hạnh cắm chốt trong bệnh viện. Một tháng đầu An vào hóa chất, tâm trạng cả nhà căng như dây dàn theo những cơn sốt cao, đau đầu, nôn mửa, tiêu chảy, tụt hồng cầu và phải truyền máu liên tục của con.
Mờ sáng một ngày cuối tháng 7, chị Hạnh vừa thiếp đi sau ba đêm canh con sốt, bỗng choàng tỉnh vì An giật đùng đùng. Người mẹ hoảng hốt bế con lao đi tìm bác sĩ, một người nhà bệnh nhân giường bên cạnh cầm cây chuyền chạy theo, chẳng ai dép guốc gì.
Bác sĩ một mặt động viên gia đình "không sao đâu", nhưng quay đi, dồn dập chỉ đạo máy móc và thuốc. Chị Hạnh đứng nhìn bất lực, rơi vào nỗi bất an tột cùng.
Một lần nữa An được cấp cứu kịp thời. Nhìn tấm phim kết quả chụp CT não, bác sĩ mỉm cười nói may mắn trong đầu bé không có máu tụ. Giây phút ấy, chị Hạnh dù không hiểu rõ được tình thế ngàn cân treo sợi tóc, cũng cảm thấy "trút được cả tấn đá khỏi người".
Lần thót tim này chưa qua thì những đau đớn khác ập đến. Chưa đầy một tháng sau, cô bé bị phản ứng phụ với một loại thuốc gây ra viêm tụy cấp. Em được chỉ định truyền dịch, nhịn ăn, nhịn uống 20 ngày để tụy hoàn toàn nghỉ ngơi.
Điều này quá sức chịu đựng của một đứa trẻ. Được vài ngày, An khát nước không chịu nổi, nài nỉ ba mẹ "cho con một giọt nước thôi". Bố và mẹ chỉ biết ngoảnh mặt quay đi, mắt đỏ hoe vì không thể đáp ứng con. Họ dùng khăn ướt chấm lên đôi môi khô nứt nẻ.
Những ngày đau đớn cực điểm, bác sĩ buộc phải cho cô bé dùng morphine. Thuốc vào người khác có thể giảm đau được 4-6 tiếng, nhưng vào An chỉ được 2 tiếng. Nhiều lúc con đau quá, bố bên trái, mẹ bên phải, cầm tay con tỉ tê đủ thứ chuyện để quên đi thực tại. "Con đau đến mức chỉ có tinh thần mới chịu đựng được. Nhưng trong tình huống ấy, chính con động viên lại chúng tôi", chị Hạnh nói.
Đến ngày thứ 16, cô bé được tập húp nước đường, dần sau đó là húp cháo loãng, cháo đặc hơn. Cuối cùng em bước qua được cơn nguy kịch.
"Sau đó vẫn còn vài lần con bị phản ứng một một loại thuốc hạ sốt, uống vào là người run bần bật như cỗ máy, môi, mắt, miệng tím bầm", chị Hạnh chia sẻ.
Con gái bé nhỏ bị bệnh hiểm nghèo là cú sốc quá lớn với gia đình. Anh Tuấn nghỉ luôn công việc tại một công ty xăng dầu của nước ngoài để ở viện với con. Em trai chị Hạnh và mẹ từ Nghệ An vào Sài Gòn, ngày ngày lo cơm nước, tiếp tế vòng ngoài. Cả gia đình dồn toàn lực chăm sóc An. Đến cuối năm 2018, cô bé vượt qua được lộ trình điều trị đầu tiên.
Sang năm tiếp theo, mỗi tháng một lần An vào viện truyền hóa chất và mang thuốc về uống. Trong tiến trình, đôi lúc con vẫn dị ứng, sốt cao, tụt hồng cầu... Hiện, con đã điều trị xong phác đồ, cứ 3 tháng một lần đến viện theo dõi.
Bác sĩ Nguyễn Đình Văn, trưởng khoa Ung bướu - Huyết học, Bệnh viện Nhi đồng 2, vẫn ấn tượng với hành trình chữa bệnh gian nan mà kiên cường của cô bé. "Con được đưa vào với chúng tôi trong tình trạng đang đặt ống để thở. Trải qua rất nhiều trục trặc trên lộ trình, con đã vượt qua và về cơ bản đáp ứng thuốc tốt và nhanh hơn một số bạn", bác sĩ chia sẻ.
Phát hiện ung thư ngay trước khi vào lớp 1, bé An mất 3 năm để chữa trị. Đầu thu năm nay, gia đình quyết định đăng ký cho con vào học tiểu học. Hiện tại An học online nên tham gia lớp học đầy đủ. Nếu sắp tới phải đi học ở trường, chưa chắc bé có thể đi được. Bác sĩ Văn cũng khuyến cáo nên cho con tiêm đầy đủ vaccine, trước khi đi học.
Quá trình chữa trị cũng ngăn cản con đường nghệ thuật của An. Năm 3 tuổi, cô bé đã được phát hiện có năng khiếu diễn xuất. Chị Hạnh tạo cơ hội cho con phát triển bằng cách tìm các công ty quảng cáo, người mẫu nhí và đăng ký cho bé thử vai. Từ 4 tuổi, con được gọi đi quay liên tục. Vài ngày trước lúc phát bệnh, em ký được hợp đồng với một kênh YouTube đồ chơi tại Mỹ.
Sau này trong quá trình điều trị có rất nhiều lời mời đi diễn nhưng đều phải từ chối. Mãi sang năm điều trị thứ hai, đôi khi tranh thủ sức khỏe cho phép, mẹ mới cho An đi quay cho con đỡ nhớ nghề. Trước khi Covid-19 bùng phát, An cũng quay vài video liên quan đến phòng chống Covid-19.
Cô bé 9 tuổi kể, có những lần phải quay sớm phải dậy từ 5h sáng nhưng con rất hào hứng. "Một lần đi chụp cho hãng thuốc giảm đau, con được gặp lại 3 người bạn từng làm việc với nhau trước đó nên rất vui. Vì con tập trung nghe bác đạo diễn hướng dẫn nên quay shot hình nào là được luôn. Mọi người khen, con vui lắm", em nói.
An đam mê diễn tới nỗi vì dịch bệnh không đi quay được, em vẫn tự làm video đăng lên TikTok và Instagram. Mỗi lần dù có ai hỏi đến ước mơ, cô bé xinh xắn luôn có một câu trả lời: Con muốn làm một diễn viên nổi tiếng.
Phan Dương
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng kết hợp với chương trình Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của quý vị là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước. Mời xem thông tin về chương trình tại đây.
* Tên các thành viên trong gia đình đã thay đổi