Người dân xung quanh gọi đây là xóm chạy thận bởi nơi này có hơn chục bệnh nhân từ khắp nơi về chữa bệnh. Con đường dẫn vào xóm nhỏ hẹp, quanh co. Hơn 10 gian phòng lụp xụp, lọt thỏm giữa những dãy nhà cao tầng. Bên bếp củi, già trẻ túm tụm hơ tay chân cho bớt cóng giữa đông giá. Một người vừa chạy thận về, mệt mỏi dựa vào bức tường đen bồ hóng.
Trong số khuôn mặt xám khô vì bệnh tật có cô gái tên Hà, quê Ninh Bình. Sức nóng từ củi lửa làm đôi má em ửng hồng. Năm nay 24 tuổi, Hà đã gắn bó với xóm chạy thận 6 năm. "Em bị tụt hồng cầu, vừa phải truyền thêm máu chứ không da cũng trắng bệch như các bệnh nhân khác", Hà kể.
Từ ngày còn nhỏ, Hà đã bị những cơn đau đầu, mỏi lưng bất chợt. Cuộc sống bộn bề lo toan nên bố mẹ không chú ý. Năm 17 tuổi, sức ép học hành lớn nên Hà bị đau đầu thường xuyên hơn, uống các loại thuốc nam mà không thuyên giảm. Trước đợt thi học kỳ một, em phải cấp cứu. Vào bệnh viện, Hà nhận được tin sét đánh - suy thận độ 3B, bắt buộc phải chạy thận một tuần 3 lần.
Qua Tết năm đó, cô gái tròn 18 xuân xanh bỏ dở việc học để cứu mạng sống. "Ngày đó em ngây thơ lắm, còn bảo bố mẹ khỏe rồi về đi thi", Hà nhớ lại. Em đăng ký chạy thận ở Bệnh viện Nông nghiệp rồi thuê trọ tại đây. Thời đó, xóm trọ vắng người, trong căn phòng cấp bốn chỉ nhét vừa chiếc giường đơn, Hà đã khóc nhiều.
Ở tuổi 34 song trông chị Thúy (Văn Giang, Hưng Yên) tàn tạ, không sự sống. Khuôn mặt chị tròn, khá xinh xắn nhưng khô khốc, xám trắng vì bệnh. Đã bao lâu rồi chị không nhớ nữa mình không còn chồng và con trai bên cạnh.
18 tuổi chị lấy chồng, một năm sau sinh bé trai kháu khỉnh. Vợ chồng làm nông, cuộc sống đạm bạc nhưng hạnh phúc. Năm 24 tuổi, thấy sức khỏe yếu dần, người mệt mỏi, chị đi khám thì bị suy thận độ hai. Uống thuốc chống cự được 7 tháng thì chuyển sang suy thận độ ba. Bệnh tật tàn phá cơ thể chị, chồng bỏ đi lấy vợ mới.
Chị Thúy trở thành người đầu tiên "cắm dùi" ở xóm trọ này, một tuần 3 buổi qua đường tàu sang Bệnh viện Nông nghiệp chạy thận. Bệnh nặng, phải kiêng khem đủ thứ nên chị chẳng làm được gì ra tiền, 10 năm qua đều dựa vào gia đình. "Mỗi tháng bố mẹ phải gửi cho tôi 3 triệu đồng để ăn ở, thuốc thang chữa bệnh. Năm nay họ đã 60 tuổi rồi, vẫn phải kiếm tiền nuôi tôi", chị rớm nước mắt.
Tủi phận lại nhớ nhà, dù vậy một năm chị chỉ về quê vài lần, những lần ấy con trai mới ghé qua thăm mẹ. "Vì là con trai nên nó cũng không tâm lý, hiếm khi gọi điện cho mẹ", chị cười trừ, ngẫm ra con trai đã 16 tuổi.
Xẩm tối, bà Chủng trở về xóm trọ, mặt buồn thiu vì hai bó rau muống ế. Ông Đương cũng đi chăn dê về, vội tháo đôi ủng rồi nấu cơm. Ông luộc nhanh mấy thanh đậu phụ để hai vợ chồng ăn cho xong bữa chiều.
Dáng người thấp lùn, ông Đương rất chăm chỉ. Đưa vợ lên thành phố chữa bệnh, 8 năm nay ông đã làm đủ nghề từ bốc vác, thợ hồ. Những năm gần đây, ông đi chăn dê, chăn bò thuê. Tranh thủ lúc chăn, ông khai phá mấy đám đất hoang cấy rau muống, trồng các loại bầu, loại đậu. Ngoài một phần để ăn, vợ chồng ông đem rau bán rẻ cho người trong xóm hoặc đưa ra chợ bán kiếm thêm.
Người đàn ông tuổi ngũ tuần giãi bày: "Mắc bệnh này nhiều người bị chồng con ruồng bỏ, nhưng tôi không làm thế. Bà ấy đã sống với tôi có 4 con, tốt xấu gì tôi cũng phải chăm sóc nên nghĩa vợ chồng. 10 năm qua, tôi chăm sóc bà ấy, từ bế cõng, cơm nước, vệ sinh, nhiều hôm thức cả đêm xoa bóp".
Đời người suy thận như những cây tầm gửi, sống bám vào máy móc, thuốc thang, gia đình. Khi phát hiện bệnh cũng là lúc tử thần chực chờ, phải đối diện với những biến chứng như tim mạch, huyết áp, dạ dày, khớp, não… Chạy thận một thời gian thì da dẻ xám xịt, mắt đục, tay chân nổi u to. Người biết giữ gìn có thể kéo dài thời gian sống. Người kém may mắn có khi phải lìa đời sau vài tháng chạy thận. "Chúng tôi phải kiêng nước, không được lao động nặng, ăn uống cũng phải kiêng khem đủ thứ", anh Hồng (48 tuổi, Kim Động, Hưng Yên) cho biết.
Do đặc điểm bệnh như vậy, đa phần người bệnh thận chỉ sống vật vờ, không thể làm việc gì. Họ từng tìm đến những công việc như chạy xe ôm, đánh giấy ráp cho xưởng gỗ, hay bán hàng tạp hóa..., nhưng rồi cũng chỉ được mấy hôm là sức kiệt. "Đợt trước sư trụ trì chùa Phổ Ninh qua đây tặng quà chúng tôi. Thầy cho gạo, làm cho một phòng tụng kinh trong xóm và đầu tư dụng cụ giúp chúng tôi trồng rau mầm. Công việc nhẹ nhàng, lại thỏa được nỗi nhớ ruộng đồng, đỡ buồn chân, buồn tay hơn", anh Hồng, người đã chạy thận 20 năm, cho biết thêm.
Rau mầm của xóm chạy thận trồng trong các rổ nhựa đựng đất sạch hữu cơ. Mỗi tuần hái một lần, bán với giá 50.000 đồng một kg. Thời điểm có nguồn tiêu thụ, xóm trồng được vài trăm kg mỗi tháng, trừ chi phí mỗi người bệnh cũng được 200.000-300.000 đồng. Thế nhưng được một thời gian thì số người mua ít dần. Hiện cả xóm với 11 bệnh nhân chỉ trông chờ vào 100 kg rau mầm. Nhiều người đành phải nhường cho người khác làm, dù vẫn tiếc nuối công việc này lắm.
Phan Dương