Đầu những năm 1990, một vài người đến thuê trọ ở phường Phương Mai (Hà Nội) để tiện ra Bệnh viện Bạch Mai chạy thận. Lâu dần, nhiều người đến ở nên hình thành một xóm của những người chung cảnh ngộ.
Gần Tết, trong khi bên ngoài ai cũng hối hả sắm sửa thì những người ở đây vẫn lặng lẽ ra vào bệnh viện để lọc máu. Với nhiều người trong xóm, việc về quê ăn Tết là quá xa xỉ, vượt quá khả năng chi trả của họ.
Ông Trần Văn Tăng, trưởng xóm chạy thận, đã ở đây được 9 năm. Căn phòng trọ của ông và nhiều người ở đây chẳng có không khí ngày Tết: không đào, không quất, không hoa, không kẹo bánh… Trên bàn thờ chỉ có mấy chiếc bánh chưng của các sư thầy chùa Hòe Nhai biếu.
Đã 6 năm nay, ông Tăng chưa một lần được về quê dịp năm mới. "Nếu về nhà thì phải chạy thận ở ngoài, mỗi lần 1,2 triệu đồng. Nhà tôi làm gì có tiền, nên phải ở trên này đợi đến mùng 2 đi viện", ông Tăng tâm sự.
Những ngày Tết này, ông vẫn lủi thủi ở trong phòng, hết nằm lại ngồi, rồi xem tivi, chỉ mong cho thời gian qua nhanh, cho sớm hết Tết. Nhiều lúc buồn quá, ông muốn sang nhà những người đồng cảnh ngộ để nói chuyện. Nhưng nhiều lúc lên xuống cầu thang, ông cũng mệt không thở ra hơi thì đi đâu được.
Mới hôm trước, có một chị quê Nam Định đã mất ở phòng này. Trên giường chị nằm vẫn còn nguyên đồ đạc, quà bánh chị chuẩn bị mang về cho con vui Tết.
Có lần đang trên xe buýt, nhìn cảnh người ta lỉnh kỉnh đồ đạc về quê, ông Tăng giàn giụa nước mắt. Đêm giao thừa, nghe tiếng trẻ con nhà bên cạnh vọng sang, rồi tiếng pháo hoa báo hiệu năm mới đến, ông nằm khóc một mình. "Ở đây, vui nhất là khi có các bạn sinh viên đến chơi, tổ chức liên hoan văn nghệ cho cả xóm, hay có các sư thầy đến thăm. Nhưng mỗi năm chỉ được vài dịp như vậy", ông Tăng cho biết.
Trong phòng còn có anh Trương Việt Phương, đã chạy thận được hơn 10 năm. Nhà anh Phương rất khó khăn, từ ngày vào xóm, anh vẫn phải bươn chải, làm đủ nghề như xe ôm, bán trà đá, sửa xe… để kiếm sống. Nhiều dịp Tết, anh vẫn ở lại để chở xe ôm cho người ta đi chúc tết và bầu bạn với ông Tăng. "Ngày Tết, kiếm được việc làm thì còn nhanh hết thời gian, chứ không có việc gì làm thì lại chán nản, sinh ra những ý nghĩ tiêu cực", anh Phương chia sẻ.
Ngày Tết, trong khi nhà nào cũng chuẩn bị cỗ bàn tinh tươm thì những người chạy thận chỉ dám "ăn để cầm hơi" vì không được lọc máu. Ngày thường, bệnh nhân được chạy 3 lần mỗi tuần. Còn dịp Tết này, bệnh viện nghỉ, nên phải đợi đến mùng 2 mới được chạy. "Chúng tôi không dám ăn uống nhiều. Ăn vào còn khổ hơn là bị đói. Thế nên ai cũng chỉ mong Tết sớm qua đi để được chạy thận", anh Phương tâm sự.
Ở nhà trọ bên cạnh, có hai người phụ nữ cũng chung hoàn cảnh xa nhà ngày Tết. Bà Vũ Thị Ninh và bà Phạm Thị Nghiêm đều ngoài 60 tuổi, nhưng mấy năm nay đều chăm lẫn nhau lúc đau yếu. Bà Ninh sống đơn thân từ hồi con gái, còn bà Nghiêm vì con ít, lại khó khăn, nên không trông nom bà được.
Đây là năm thứ hai cả hai bà không về quê đón Tết. Đêm giao thừa, những người bạn già ấy quây quần nói chuyện, ôn lại kỷ niệm xưa. Niềm vui ngày Tết với họ chỉ đơn giản vậy thôi.
Viết Tuân